Tải App trên Android

Ngày pháp luật là ngày nào? Hướng dẫn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9 11

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
10/10/2024 11:00 AM

Ngày pháp luật là ngày nào? Các hoạt động tổ chức, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9 11 được hướng dẫn như thế nào?

Ngày pháp luật là ngày nào?

Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2012 quy định về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Tại các Điều 5, 6, 7 Nghị định 28/2013/NĐ-CP hướng dẫn về Ngày Pháp luật Việt Nam như sau:

(i) Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày 09 tháng 11, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

(ii) Nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật

- Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung sau đây:

+ Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;

+ Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật;

+ Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

+ Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;

+ Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

+ Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

- Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức sau đây:

+ Mít tinh; hội thảo; tọa đàm;

+ Thi tìm hiểu pháp luật;

+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm;

+ Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

(iii) Trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật

- Trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật

+ Hằng năm, Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước;

+ Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.

- Trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật;

+ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Ngày Pháp luật cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.

Ngày pháp luật là ngày nào? Hướng dẫn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9 11

Ngày pháp luật là ngày nào? Hướng dẫn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9 11 (Hình từ internet)

Hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9 11

Công văn 573/HĐPH-PBGDPL hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành, trong đó hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09-11 (Ngày Pháp luật Việt Nam).

Để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 tiếp tục được thực hiện sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với định hướng sau đây:

- Về nội dung, gắn việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật nêu tại điểm b, tiểu mục 1.1, Mục 1 Công văn này.

- Về hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam, đề nghị lựa chọn hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp, cụ thể; đẩy mạnh thông tin pháp luật, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động thanh niên tình nguyện, giáo dục pháp luật ngoại khóa; lồng ghép trong các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở...

- Về khẩu hiệu, đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam (có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp tại chuyên mục “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia từ ngày 25/9/2024).

- Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung trong 02 tháng cao điểm là tháng 10, 11/2024.

- Tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện trong phạm vi quản lý và tổng hợp trong Báo cáo công tác tư pháp 2024; kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,366

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]