Hướng dẫn quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
08/10/2024 10:15 AM

Bài viết sau có nội dung về quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định trong Quyết định 2699/QĐ-BGDĐT năm 2024.

Hướng dẫn quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hình từ Internet)

Ngày 01/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2699/QĐ-BGDĐT quy định về in, quản lý, cấp và hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Hướng dẫn quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 2699/QĐ-BGDĐT năm 2024 thì việc quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau;

- Việc quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ phải bảo đảm chặt chẽ, an toàn không để xảy ra hư hỏng, thất thoát.

- Phôi văn bằng, chứng chỉ phải có dấu hiệu bảo mật. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm lựa chọn dấu hiệu bảo mật trên phôi văn bằng, chứng chỉ bảo đảm tính mỹ thuật, tính bảo mật và chống làm giả. Cục Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức việc dán hoặc in dấu hiệu bảo mật lên phôi văn bằng, chứng chỉ; hủy dấu hiệu bảo mật bị hư hỏng.

- Phôi văn bằng, chứng chỉ được đánh số hiệu (seri); mỗi phôi văn bằng, chứng chỉ có một số hiệu riêng. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng quy định số hiệu phôi văn bằng, chứng chỉ.

- Quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 2699/QĐ-BGDĐT năm 2024 không áp dụng đối với phôi bản sao văn bằng.

2. Nguyên tắc quản lý, cấp phát bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học 

Nguyên tắc quản lý, cấp phát bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học được quy định cụ thể tại Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT như sau;

- Văn bằng, chứng chỉ được quản lý thống nhất, thực hiện phân cấp quản lý cho các sở giáo dục và đào tạo, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT.

Điều 3. Phân cấp và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý văn bằng, chứng chỉ

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý văn bằng, chứng chỉ; quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng giáo dục đại học; quy định mẫu bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân; quy định nguyên tắc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.

2. Sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý việc sử dụng phôi, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đối với các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

3. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm quản lý việc sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ đã được cấp theo quy định và chịu trách nhiệm về việc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền.

4. Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 18 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT.

Điều 18. Cấp lại văn bằng, chứng chỉ

1. Trường hợp văn bằng, chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện bị viết sai do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại bản chính văn bằng, chứng chỉ.

2. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều 15 của Quy chế này có thẩm quyền cấp lại văn bằng, chứng chỉ.

3. Thủ tục cấp lại văn bằng, chứng chỉ như sau:

a) Người có yêu cầu cấp lại văn bằng, chứng chỉ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho cơ quan có thẩm quyền cấp lại văn bằng, chứng chỉ một bộ hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp lại văn bằng, chứng chỉ; văn bằng, chứng chỉ đề nghị cấp lại; giấy tờ chứng minh cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ viết sai văn bằng, chứng chỉ;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại văn bằng, chứng chỉ xem xét quyết định việc cấp lại văn bằng, chứng chỉ; nếu không cấp lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trường hợp mẫu văn bằng, chứng chỉ tại thời điểm cấp văn bằng, chứng chỉ đã thay đổi, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ sử dụng mẫu văn bằng, chứng chỉ hiện hành để cấp cho người được cấp lại văn bằng, chứng chỉ.

- Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ.

- Bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Xem thêm Quyết định 2699/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ 01/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn