Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
23/09/2024 22:00 PM

Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 (Hình từ Internet)

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030

Ngày 20/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1015/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan; tính chính xác của thông tin, số liệu nêu trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, dự án tại Phụ lục kèm theo.

Nội dung chủ yếu Kế hoạch bao gồm:

(1) Về dự án đầu tư công

- Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu đô thị, hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết Vùng, nội vùng gắn với 06 hành lang và 3 vành đai; tăng cường hạ tầng kết nối các địa phương với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng kinh tế - xã hội và hai khu vực động lực của tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

- Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

(2) Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công

- Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ba vùng kinh tế - xã hội và tập trung tại hai khu vực động lực của tỉnh.

- Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; hệ thống cảng thủy nội địa, hạ tầng logistics; các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp; các dự án phát triển năng lượng tái tạo; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các lĩnh vực hạ tầng thông tin và truyền thông, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các dự án cấp, thoát nước, xử lý chất thải; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ.

(3) Kế hoạch sử dụng đất

Căn cứ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022; Quyết định 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024; Quyết định 95/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 47/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 586/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 và các quy định khác có liên quan.

(4) Nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch

Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, tỉnh Đồng Nai dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh lũy kế đến năm 2030 theo giá hiện hành khoảng 1.003.700 tỷ đồng (tương đương khoảng 41 tỷ USD), cụ thể trong đó: giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 478.200 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 525.500 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đầu tư công đạt khoảng 20%; vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 80% (trong đó, dự kiến vốn ngoài nhà nước đạt 42% và vốn FDI đạt 58%). Cụ thể như sau:

Nguồn vốn

Cơ cấu trong tổng vốn giai đoạn 2021-2030

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Nguồn vốn khu vực nhà nước

20%

(tương đương 95.640 tỷ)

20%

(tương đương 105.100 tỷ)

Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước

33,6%

(tương đương 160.675,2 tỷ)

33,6%

(tương đương 176.568 tỷ)

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

46,4%

(tương đương 221.884,8 tỷ)

46,4%

(tương đương 243.832 tỷ)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,057

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]