Các nhiệm vụ và giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau bão số 3

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
20/09/2024 18:45 PM

Tại Nghị quyết 143/NQ-CP năm 2024, Chính phủ đã giao các nhiệm vụ và giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau bão số 3.

Các nhiệm vụ và giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau bão số 3

Các nhiệm vụ và giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau bão số 3 (Hình từ internet)

Ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Các nhiệm vụ và giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau bão số 3

Theo Nghị quyết 143/NQ-CP năm 2024, Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Thống kê sơ bộ đến ngày 17 tháng 9 năm 2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ...

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%

Trước tình đó, để thực hiện để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, Nghị quyết 143/NQ-CP đã nêu 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Trong đó, đối với các kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã giao các nội dung như sau:

- Nắm chắc tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường. Thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai quy định về quản lý giá, ổn định giá mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống của Nhân dân và sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá.

- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ, thiên tai, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm.

- Tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân và đầu tư phát triển. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế.

- Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, thị trường sản phẩm Halal...

- Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng sạch, Hydrogen...

- Tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố và các dự án vướng mắc, tồn đọng khác, đặc biệt là tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thành thống kê thiệt hại, phát huy tối đa nguồn lực của ngân sách địa phương để chủ động triển khai các giải pháp, chính sách khắc phục hậu quả bão số 3, hỗ trợ người dân, cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo thẩm quyền; khẩn trương có báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng 9 năm 2024 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.

Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/9/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 762

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]