Tải App trên Android

Cán bộ không chuyên trách cấp xã được thêm quyền lợi từ 2025 khi tham gia BHXH

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
18/09/2024 08:33 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cán bộ không chuyên trách cấp xã được thêm quyền lợi từ 2025 khi tham gia BHXH.

Cán bộ không chuyên trách cấp xã được thêm quyền lợi từ 2025 khi tham gia BHXH (Hình từ internet)

1. Cán bộ không chuyên trách cấp xã được thêm quyền lợi từ 2025 khi tham gia BHXH

Hiện hành, theo Điều 24 và Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì đối tượng được hưởng chế độ ốm đau và chế độ thai sản chỉ bao gồm những đối tượng sau đây: 

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn.

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; 

Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 01/01/2025 đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ốm đau, chế độ thai sản so với hiện hành, theo đó, ngoài những đối tượng cũ, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm những đối tượng sau đây: 

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động nhưng làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

Ngoài ra, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam cũng được hưởng chế độ ốm đau và thai sản, trừ các trường hợp sau đây:

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;

- Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

(Điều 42 và Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

Như vậy, từ năm 2025 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất theo quy định hiện nay.

2. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau khi tham gia BHXH bắt buộc từ 01/01/2025

Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;

- Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;

- Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

- Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản này;

- Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;

- Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.

Lưu ý: Người lao động không được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau đây:

- Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

- Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Trong thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ ốm đau trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

(Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

3. Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi tham gia BHXH bắt buộc từ 01/01/2025

Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Lao động nữ mang thai;

(2) Lao động nữ sinh con;

(3) Lao động nữ mang thai hộ;

(4) Lao động nữ nhờ mang thai hộ;

(5) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

(6) Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

(7) Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con.

Lưu ý: Đối tượng quy định tại các điểm (2), (3), (4) và (5) phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

- Đối tượng quy định tại điểm (2) và điểm (3) đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con.

- Đối tượng quy định tại điểm (2) đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

- Đối tượng đủ điều kiện quy định tại phần lưu ý trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 53, 54, 55 và 56 và các khoản 1, 2 và 3 Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

(Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,404

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]