Dự kiến nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
29/08/2024 18:45 PM

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với các đề xuất tại dự án Luật đầu tư công (sửa đổi), trong đó có nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng

Dự kiến nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng (Hình từ Internet)

Dự kiến nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng

Ngày 14/8/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về việc xây dựng Luật đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.

Theo Thông báo 397/TB-VPCP ngày 22/8/2024, Thường trực Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu xây dựng Luật ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18/6/2024. Việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật đã bảo đảm đầy đủ về cơ sở chính trị, pháp lý, phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, yêu cầu của Quốc hội về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và đặc biệt là bám sát các nội dung tổng kết, đánh giá khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn như: phân định trách nhiệm còn bất cập; quy trình, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chi phí tuân thủ còn cao, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế...

Cơ bản đồng ý với các nhóm chính sách được đề xuất, đặc biệt một số nội dung cụ thể như: sửa đổi cơ chế thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án; xác định Danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến... Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, trong đó lưu ý bảo đảm một số yêu cầu sau:

- Nội dung chính sách cần xác định có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; các quy định của mỗi chính sách cần được rà soát để bảo đảm sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, phù hợp các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp khác nhưng thực tiễn đòi hỏi phải sửa thì đề nghị áp dụng luật mới này.

- Việc sửa đổi Luật kiên quyết xóa bỏ môi trường, cơ chế xin - cho; không đầu tư dàn trải, huy động hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế khác; phát huy vai trò các dự án đầu tư công, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương nhằm thúc đẩy sự kết nối, phát triển kinh tế, xã hội giữa các vùng, tỉnh, quốc gia cũng như các nước trong khu vực và thế giới; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không để người dân, doanh nghiệp phải chạy vạy, xin - cho.

- Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát để xác định những nội dung gì đã rõ, đã thực hiện có hiệu quả, thực tế chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng vừa làm vừa mở rộng dần không cầu toàn, nóng vội. Việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công cần được phân cấp mạnh, quy định rõ, khả thi trên cơ sở gắn với việc phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của từng cấp; nghiên cứu, thiết kế các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả công việc cũng như giám sát, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện, đồng thời có cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đầu tư.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan của Quốc hội để đánh giá, rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Chú trọng công tác truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận, đặc biệt là về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền. Các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đóng góp ý kiến bằng văn bản bảo đảm tập trung, ngắn gọn, rõ ràng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 19/8/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ kết luận của Thường trực Chính phủ và ý kiến của các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chậm nhất ngày 20/8/2024 gửi Bộ Tư pháp để thẩm định; trình Chính phủ xem xét tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024 để trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 01 kỳ họp.

Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, gửi báo cáo thẩm định đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất ngày 22/8/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 357

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn