Cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
09/08/2024 21:45 PM

Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội từ 01/01/2025 được tổ chức theo quy định tại Luật Thủ đô 2024.

Cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024 (Hình từ Internet)

Cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024

Theo Điều 9 Luật Thủ đô 2024, Thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 03 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định, bảo đảm không quá 11 người.

Hội đồng nhân dân Thành phố được thành lập không quá 06 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể. Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố gồm Trưởng ban do Hội đồng nhân dân bầu; Phó Trưởng ban và các Ủy viên do Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố phê chuẩn. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định số lượng Phó Trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 02 người trên một Ban. Ban có bộ phận hoạt động chuyên trách để giúp giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian Ban không họp.

* Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội:

- Quyết định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố hoạt động chuyên trách; quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách của các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố; quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các Ban của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố;

- Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân Thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố;

- Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hiện có.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác; bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trường hợp thành lập thêm cơ quan thì phải bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định;

- Quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trên cơ sở điều chỉnh chức năng của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hiện có, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác và mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trường hợp thành lập thêm cơ quan thì phải bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định;

- Xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Thành phố quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định;

- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại Luật Thủ đô 2024

* Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố trong thời gian Hội đồng nhân dân Thành phố không họp được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp gần nhất:

- Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;

- Điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp cần thiết đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công;

- Việc hỗ trợ căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm đã được Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt, bao gồm: hỗ trợ các cơ quan trung ương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, hỗ trợ các địa phương khác trong nước hoặc hỗ trợ quốc gia khác trong trường hợp cần thiết; cho phép đơn vị hành chính cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ đơn vị hành chính cấp huyện khác của Thành phố và các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 262

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn