Không bán đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có thể bị phạt đến 40 triệu đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
15/07/2024 17:15 PM

Không bán đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có thể bị phạt đến 40 triệu đồng là nội dung được đề cập tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP.

Không bán đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có thể bị phạt đến 40 triệu đồng (Hình từ internet)

Ngày 12/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Không bán đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có thể bị phạt đến 40 triệu đồng

Theo Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

(1) Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể;

(2) Hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành;

(3) Hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành;

(4) Hành vi bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành;

(5) Hành vi bán thấp hơn giá tối thiểu do Nhà nước ban hành.

Ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định do hành vi vi phạm gây ra tại điểm (1), điểm (2) và điểm (4) nêu trên.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân. (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP)

Như vậy, theo quy định nêu trên, hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức. 

Quy định về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Điều 21 Luật Giá 2023 như sau:

- Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

+ Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên;

+ Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

+ Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá thực hiện định giá theo các hình thức sau đây:

+ Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó;

+ Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó;

+  Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó;

+  Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó.

- Thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định như sau:

+ Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân;

+ Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước;

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định của pháp luật;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý theo địa bàn.

- Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật Giá 2023. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.

- Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 936

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn