Tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024: Doanh nghiệp cần làm gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
15/07/2024 11:00 AM

Dưới đây là những điều doanh nghiệp cần làm khi lương tối thiểu vùng tăng từ 01/7/2024.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024: Doanh nghiệp cần làm gì? (Hình từ internet)

Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 01/7/2024 với mức tăng là 6%. 

1. Điều chỉnh tăng lương từ 01/7/2024 khi tăng lương tối thiểu vùng lên 6%

Theo đó. từ 01/7/2024, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.960.000

23.800

Vùng II

4.410.000

21.200

Vùng III

3.860.000

18.600

Vùng IV

3.450.000

16.600

(Theo quy định cũ, tiền lương tối thiểu vùng dao động từ 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng/tháng và từ 15.600 đồng đến 22.500 đồng/giờ)

Ngoài ra, theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 có quy định mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Và khoản 1 Điều 91 Bộ Luật Lao động 2019 quy định như sau:

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 74/2024/NĐ-CP có quy định: 

- Khi thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với người lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. 

- Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động (như chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu và chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường) thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 

- Người sử dụng lao động không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Như vậy, theo quy định nêu trên, trường hợp sau khi tiến hành tăng lương tối thiểu vùng mà lương của người lao động đang được trả thấp hơn mức lương tối thiểu đã điều chỉnh thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, theo đó: 

- Nếu lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động của người lao động đang thấp hơn lương tối thiểu vùng khi tăng từ 01/7/2024, doanh nghiệp cần tăng lên cho phù hợp với quy định mới.

- Nếu lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động của người lao động đang cao hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng khi được tăng từ 01/7/2024 thì công ty không bắt buộc phải điều chỉnh lại tăng lương, lúc này người lao động sẽ được tăng lương chế độ tăng lương theo hợp đồng lao động (nếu có).

2. Có thể tăng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng

Theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, hằng tháng người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo các tỷ lệ nhất định được tính dựa trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động. Cụ thể:

Người sử dụng lao động

Người lao động

BHXH

BHYT

BHTN

BHXH

BHYT

BHTN

HT

ÔĐ-TS

TNLĐ-BNN

HT

ÔĐ-TS

TNLĐ-BNN

14%

3%

0,5%

3%

1%

8%

-

-

1,5%

1%

17,5%

 

 

8%

 

 

21,5%

10,5%

Tổng cộng đóng 32%

Bên cạnh đó, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 cũng nêu rõ, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ tăng theo.

Trường hợp doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 01/7/2024, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nói trên sẽ tăng.

Trường hợp đã đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng thì số tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp không cần điều chỉnh tăng.

3. Có thể tăng tiền đóng kinh phí công đoàn

Theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp được xác định theo công thức sau:

Mức đóng = 2% x Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động

Trong đó, quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH.

Do đó, khi mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động của doanh nghiệp tăng thì tiền nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo.

Như đã phân tích tại mục 2, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể làm thay đổi mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Điều này cũng gián tiếp làm ảnh hưởng đến số tiền đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp.

Theo đó, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể làm tăng số tiền đóng kinh phí công đoàn  của doanh nghiệp.

4. Tăng tiền lương ngừng việc cho người lao động

Theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp người lao động ngừng việc, doanh nghiệp phải trả lương như sau:

- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động hoặc vì lý do khách quan, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động với mức không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Do đó, khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024, thì tiền lương ngừng việc của người lao động cũng tăng.

5. Tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc

Cụ thể, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu người lao động vẫn sẽ giữ nguyên mức lương theo tiền lương của công việc cũ. 

Sau 30 ngày, người lao động sẽ được hưởng tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Do đó, khi tăng lương tối thiểu thì mức tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc cũng sẽ tăng.

(Điều 29 Bộ luật Lao động 2019)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 392

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn