Đề xuất không xử tù với người tự thú, thành khẩn khai báo

15/03/2014 14:33 PM

VKSND Tối cao nhận thấy cần sửa đổi Bộ luật hình sự đang áp dụng theo hướng bỏ phạt cảnh cáo; mở rộng miễn trách nhiệm hình sự với trường hợp tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tăng mức tiền phạt và bỏ án tử hình một số tội.

Sáng nay, đánh giá 13 năm thi hành Bộ luật Hình sự 1999, đại diện VKSND Tối cao, Viện phó Trần Công Phàn cho biết cơ bản Bộ luật đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân.

Tuy nhiên, quá trình thi hành còn một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến việc xử lý tội phạm trong một số trường hợp thiếu chính xác, còn để xảy ra oan, sai. Một trong những nguyên nhân chính do một số quy định của Bộ luật còn bất cập, không phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn, quy định miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25) còn chung chung, chưa dự liệu hết những trường hợp cần được miễn trách nhiệm hình sự dẫn đến nhận thức, vận dụng không thống nhất, còn có biểu hiện lạm dụng.

Một số quy định trong phần các tội phạm chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên khó vận dụng. Ở tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Cướp giật tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Gá bạc.. chưa có mô tả hành vi khách quan khiến khó vận dụng trong thực tiễn, nhiều trường hợp định tội không chính xác.

VKSND Tối cao nhận thấy dấu hiệu lỗi có ý nghĩa rất quan trọng khi định tội danh nhưng dấu hiệu này hầu như không được quy định cụ thể. Trong tổng số 270 điều luật quy định về các tội danh cụ thể chỉ có 20 điều mô tả dấu hiệu lỗi là cố ý hoặc vô ý và 6 điều luật thể hiện dấu hiệu lỗi là cố ý trực tiếp nên nhận thức và áp dụng chưa thống nhất.

Bộ luật quy định các yếu tố cấu thành của một số tội phạm gần giống nhau nên trên thực tế rất khó phân biệt như hành vi hoạt động vũ trang đều có trong cấu thành các tội Bạo loạn, khủng bố nhằm chống chính quyền và Hoạt động phỉ; giữa hành vi giết người và hành vi cố ý gây thương tích ở vùng nguy hiểm đến tính mạng. Chưa có phân biệt rõ ràng các khái niệm “lạm dụng chức vụ, quyền hạn”; “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”; “lạm quyền” đã dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, dễ nhầm lẫn về tội danh...

Cũng tại hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay, đại diện Bộ Công an cũng đánh giá một số quy định về hình phạt hiện không phù hợp. Đó là hình phạt cảnh cáo (Điều 29), phạt cải tạo không giam giữ (điều 31) do tính cưỡng chế không cao nên thực tế ít được áp dụng, tác dụng giáo dục, răn đe không cao.

Chưa quy định trường hợp đối tượng truy nã ra đầu thú, phạm nhân trốn trại ra đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên gây khó khăn cho việc vận động ra đầu thú. Tình tiết “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là quy định còn chung chung nên khó thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.

Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an) đánh giá, điều 74 quy định mức án tối đa 18 năm tù với người chưa thành niên phạm nhiều tội, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc không còn phù hợp. Bởi hiện tình trạng người chưa thành niên sử dụng bạo lực với mức độ đặc biệt nghiêm trọng đang gia tăng, gây bất an trong xã hội nên cần tăng mức phạt.

Theo vị tướng này, ngoài khắc phục những vướng mắc trên cũng cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh mới như hành vi lập hội trái phép; hành vi phát triển tà đạo trái phép; hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, báo chí đưa thông tin sai lệch gây thiệt hại nghiêm trọng.

Bổ sung quy định là tội phạm đối với hành vi tích trữ các mặt hàng thiết yếu để thu lời bất chính; hành vi thành lập doanh nghiệp kê khai khống vốn điều lệ rất lớn để lừa đảo, thu lời bất chính; hành vi bội tín... Nghiên cứu hình sự hóa các hành vi theo yêu cầu của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng, như: hành vi hối lộ công chức nước ngoài; hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư; hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực tư.

Trong khi đó, VKSND Tối cao đề xuất sửa đổi Điều 25 theo hướng mở rộng miễn trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; khắc phục hậu quả; đối tượng thuộc diện chính sách và có nhiều tình tiết giảm nhẹ..., mở rộng hơn nữa các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, người già...

Có thể loại bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, chỉ quy định với các nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng như: tội phạm về ma túy, giết người, cướp tài sản, tham nhũng, các tội xâm phạm hòa bình, an ninh nhân loại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Những trường hợp không cần thiết thì quy định hình phạt tù chung thân thay thế.

Giống Bộ Công an, VKSND Tối cao cũng cho rằng nên bỏ hình phạt cảnh cáo do tính chất răn đe, giáo dục thấp, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm không cao. Quy định chặt chẽ hơn chế định hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo để tránh bị lạm dụng; tăng mức hình phạt tiền mới đủ sức mạnh cưỡng chế và triệt tiêu khả năng tái phạm của người phạm tội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ luật Hình sự là một trong những đạo luật lớn, quan trọng vì thế sửa đổi, bổ sung Bộ luật này là việc hệ trọng, nằm trong Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2013.

Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2000 và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều từ ngày 1/1/2010. Đây là Bộ luật thay thế Bộ luật Hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần trong các năm từ 1989 đến 1997.

Pha Lê - Lường Toán

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,988

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn