Tải App trên Android

05 quy định cần biết về thu thập sinh trắc học khi đi làm thẻ căn cước mới

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
04/07/2024 16:18 PM

Nội dung dưới đây là 05 quy định cần biết về thu thập sinh trắc học khi đi làm thẻ căn cước mới theo Luật Căn cước 2023Nghị định 70/2024/NĐ-CP.

05 quy định cần biết về thu thập sinh trắc học khi đi làm thẻ căn cước mới

05 quy định cần biết về thu thập sinh trắc học khi đi làm thẻ căn cước mới (Hình từ internet)

05 quy định cần biết về thu thập sinh trắc học khi đi làm thẻ căn cước mới

(1) Có tất cả 05 thông tin sinh trắc học trong dữ liệu căn cước

Căn cứ quy định tại Điều 15 Luật Căn cước 2023 quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước như sau:

- Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9 của Luật Căn cước 2023.

- Thông tin nhân dạng.

- Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

- Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

- Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.

Như vậy, theo quy định trên thì thông tin sinh trắc học của thẻ căn cước mới sẽ bao gồm 05 thông tin bao gồm: khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

(2) Ngoài vân tay và khuôn mặt, sẽ bắt buộc thu thập thêm sinh trắc học mống mắt

Theo điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định về trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước quy định như sau:

Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì ngoài việc thu thập vân tay và khuôn mặt như trước đây, sẽ bắt buộc thu thập thêm sinh trắc học mống mắt khi người dân đi làm thẻ căn cước mới.

(3) Thu thập sinh trắc học ADN và giọng nói là không bắt buộc

Tại điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước 2023 quy định về thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước:

Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Như vậy, việc thu thập sinh trắc học ADN và giọng nói là không bắt buộc và chỉ thu thập khi người dân có nhu cầu, hoặc khi cơ quan chức năng thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin để phục vụ cho công tác giải quyết, xử lý, điều tra…

(4) Thu thập sinh trắc học ADN và giọng nói tại các cơ quan đủ điều kiện thực hiện

Căn cứ khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định về thu thập, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước:

- Thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói được thu thập vào Cơ sở dữ liệu căn cước phải đáp ứng điều kiện sau:

+ Cơ quan, tổ chức xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công an hướng dẫn;

+ Thông tin tạo lập phải bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bảo đảm xác định duy nhất công dân đó trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

- Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý y tế và các cơ quan có liên quan thực hiện công bố công khai danh sách cơ quan, tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP và thực hiện tiếp nhận thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thông qua nền tảng định danh và xác thực điện tử hoặc qua thiết bị chuyên dụng để chuyển dữ liệu tiếp nhận về Cơ sở dữ liệu căn cước.

Như vậy, người dân thu thập sinh trắc học ADN và giọng nói thì phải đến các cơ quan đủ điều kiện thực hiện được Bộ Công an công bố.

Trình tự và thủ tục thu thập AND và giọng nói quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 13 Nghị định 70/2024/NĐ-CP.

(5) Người từ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi được thu thập sinh trắc học như người lớn

Căn cứ khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước 2023:

- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

- Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023.

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Như vậy, thì người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi khi đi làm thẻ căn cước cùng người đại diện hợp pháp sẽ được thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.

 

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,347

Bài viết về

Thẻ căn cước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]