Ngăn chặn hoạt động mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
19/06/2024 11:08 AM

Ngày 13/6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn 4932/NHNN-TT về phối hợp ngăn chặn hoạt động mua/bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên.

Ngăn chặn hoạt động mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên

Ngăn chặn hoạt động mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên (Hình từ internet)

Ngăn chặn hoạt động mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên

Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế cùng với phản ánh từ Bộ Công an cho thấy thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng.

(1) Phương thức thủ đoạn

Đối tượng tội phạm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp Căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Đối tượng cung cấp cho học sinh điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking.

Sau đó, đối tượng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp thông tin tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)...Các đối tượng này cũng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh (Face ID) để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố...

(2) Quy định pháp luật hiện hành về các hành vi bị cấm và xử phạt vi phạm hành chính trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán

(2.1) Quy định về các hành vi bị cấm

- Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm gồm:

+ Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán;

+ Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh.

- Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định về hành vi bị cấm tại khoản 3, 5 Điều 8 gồm:

+ Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán;...

+ Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử.

- Điểm h khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) quy định chủ tài khoản thanh toán: không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình.

(2.2) Quy định về xử phạt vi phạm hành chính

Khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định:

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 161

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn