Đề xuất các quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
27/05/2024 11:15 AM

Dự thảo Luật Đường bộ mới nhất đã đề cập đến các quy định liên quan đến vận tải đường bộ trong đó có dịch vụ kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Đề xuất các quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

Đề xuất các quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (Hình từ internet)

Đề xuất các quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

Theo khoản 11 Điều 56 Dự thảo Luật Đường bộ thì kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng để vận tải hàng hóa trên đường bộ.

* Các quy định vận tải hàng hóa bằng xe ô tô theo đề xuất

- Giấy vận tải là giấy tờ để xác nhận việc người lái xe đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng hàng hoá để vận tải đến nơi trả hàng; là bằng chứng của hợp đồng vận tải hàng hóa;

- Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô có trách nhiệm sau đây:

+ Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hoá;

+ Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật;

+ Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu về hoạt động vận tải theo quy định;

+ Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô trái quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.

- Việc vận tải hàng hoá bằng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật này, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi vận tải hàng hóa trên đường bộ phải có giấy vận tải theo quy định.

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

(Điều 61 Dự thảo Luật Đường bộ)

* Quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

- Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận tải và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;

+ Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

+ Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;

+ Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;

+ Lưu giữ hàng hoá trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.

- Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có các nghĩa vụ sau đây:

+ Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hàng hóa thay mình thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;

+ Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa;

+ Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; cấp giấy vận tải cho lái xe trước khi thực hiện vận tải;

+ Hướng dẫn, kiểm tra việc xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện bảo đảm không vượt quá khối lượng hàng hoá cho phép tham gia giao thông hoặc kích thước giới hạn cho phép của xe và các chỉ dẫn an toàn trong quá trình vận tải, giao nhận hàng hóa;

+ Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện gây ra trong quá trình vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.

(Điều 62 Dự thảo Luật Đường bộ)

* Quyền và nghĩa vụ của người lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô

- Người lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô có các quyền sau đây:

+ Từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn; phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe theo quy định hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động; phương tiện xếp hàng vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn cầu đường hoặc quá kích thước giới hạn của xe, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành theo quy định; hàng hóa cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; không có Giấy vận tải;

+ Trước khi thực hiện vận tải hàng hóa, lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào Giấy vận tải; từ chối vận tải trong trường hợp xếp hàng trên xe không đúng quy định của pháp luật.

- Người lái xe vận tải hàng hoá bằng xe ô tô có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 63 Dự thảo Luật Đường bộ)

Hiện nay, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô được quy định Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư 12/2020/TT-BGTVTThông tư 17/2022/TT-BGTVT.

Đề xuất quy định về hàng hoá ký gửi

Điều 68 Dự thảo Luật Đường bộ đã đề cập  hàng hoá ký gửi là hàng hoá gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi không đi cùng trên xe, được thực hiện theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người gửi hàng.

- Chỉ được nhận vận tải hàng có kích thước, trọng lượng phù hợp với phương tiện và không thuộc hàng nguy hiểm, hàng cấm, hàng lậu, động thực vật hoang dã hoặc hàng có mùi hôi thối, động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường.

- Người có hàng hoá ký gửi phải lập tờ khai gửi hàng hoá, trong đó kê khai tên hàng hoá; số lượng, khối lượng; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân của người gửi và người nhận hàng hóa.

- Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm tra hàng hoá ký gửi theo tờ khai gửi hàng hoá và xác nhận vào tờ khai gửi hàng hoá. Tờ khai gửi hàng hoá được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản.

- Người nhận hàng hoá ký gửi phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân khi nhận hàng.

- Việc bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

- Đơn vị kinh doanh vận tải được miễn bồi thường thiệt hại hàng hoá ký gửi trong các trường hợp sau đây:

+ Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hoá ký gửi hoặc hao hụt ở mức cho phép;

+ Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hoá ký gửi;

+ Do nguyên nhân bất khả kháng;

+ Do lỗi của người thuê vận tải, người áp tải hàng hoá của người thuê vận tải hoặc người nhận hàng hóa.

Xem thêm nhiều nội dung được đề xuất tại Dự thảo Luật Đường bộ.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 324

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn