07 nguồn tin xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật từ ngày 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
21/05/2024 09:15 AM

Tôi muốn biết việc xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật từ ngày 01/7/2024 sẽ được dựa trên các nguồn tin nào? – Kim Huyền (Kiên Giang)

07 nguồn tin xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật từ ngày 01/7/2024

07 nguồn tin xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật từ ngày 01/7/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

07 nguồn tin xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật từ ngày 01/7/2024

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bao gồm:

- Sản phẩm, hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;

- Sản phẩm, hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng;

- Sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.

Trong đó, việc xác định cụ thể nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có thể dựa trên một, hoặc một số căn cứ hoặc nguồn thông tin, dữ liệu sau:

(1) Thông báo, cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia và vùng lãnh thổ;

(2) Thông báo, cảnh báo của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên;

(3) Bản án, quyết định của Tòa án;

(4) Thông tin, cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;

(5) Quyết định thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn hiệu lực;

(6) Xác định về nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

(7) Các nguồn thông tin, dữ liệu khác mà cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có thể chứng minh được tính xác thực hoặc có đủ cơ sở khoa học.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự mình xác định chính xác nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để thực hiện chương trình thu hồi theo quy định và phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc xác định cụ thể nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật theo quy định.

Trường hợp có căn cứ cho rằng việc xác định cụ thể nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh là không phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh điều chỉnh lại cho phù hợp để tiến hành trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật theo đúng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đã được xác định lại và theo đúng quy định của pháp luật.

(Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Điều 20 Nghị định 55/2024/NĐ-CP)

Quy định về bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

Cụ thể tại Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:

(1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

(2) Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại (1) bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa;

- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

- Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

- Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa;

- Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng;

- Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

(3) Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(4) Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại (2) cùng gây thiệt hại thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh đó phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

(5) Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 966

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]