TANDTC đề xuất thêm 6 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
05/04/2024 15:53 PM

Tôi được biết vừa có dự thảo nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vậy có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào không? – Ngọc Trang (Hà Nội)

TANDTC đề xuất thêm 6 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

TANDTC đề xuất thêm 6 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. TANDTC đề xuất thêm 6 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn quy định này.

Tại dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự, TANDTC đề xuất thêm 6 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự

Các tình tiết sau đây có thể coi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015:

(1) Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

(2) Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

(3) Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu;

(4) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được cấp có thẩm quyền xác nhận, nhưng vì lý do khách quan chưa kê khai đề nghị nên chưa có Huân, huy chương;

(5) Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Công ty, xí nghiệp tặng giấy khen;

(6) Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.

Ví dụ: Bị cáo là người cháu được bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại hoặc trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác... thì khi xét xử Toà án có thể coi đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

2. Đề xuất nguyên tắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự

Nguyên tắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự theo dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự bao gồm:

- Khi xác định mức hình phạt mà người phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

- Khi kết án bị cáo về một tội phạm cụ thể theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (ở khoản nặng hơn) mặc dù họ cũng phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung ở khoản nhẹ hơn và tình tiết nhẹ hơn cũng được Bộ luật Hình sự quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

- Việc xác định thời điểm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một số trường hợp phải rõ ràng, bảo đảm tính công bằng.

Ví dụ 1: Thời điểm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 là trước khi mở phiên tòa người phạm tội phải bồi thường hoặc tác động gia đình bồi thường thì mới áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Ví dụ 2: Thời điểm để áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm p khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 thì trước khi phạm tội, người phạm tội đã là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.

- Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội 02 lần trở lên”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Ví dụ: Nguyễn Văn B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội 02 lần trở lên”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

- Về áp dụng tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” trong các trường hợp người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo về hành vi vi phạm trước đó của họ để đảm bảo sự công bằng trước pháp luật với các trường hợp che dấu tội phạm và phù hợp với nguyên tắc xử lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Hình sự. Đối với trường hợp khi bắt được người phạm tội, họ không chỉ khai nhận thành khẩn về hành vi phạm tội đã bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện mà người phạm tội còn tự thú khai báo những hành vi phạm tội của họ trước đó, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Khi xét xử, trường hợp này cần áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo tại các điểm r, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, trên cơ sở đó có thể xem xét và áp dụng khoản 3 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 đối với họ.

- Đối với bị cáo là tái phạm nguy hiểm, cùng một lúc phạm 02 tội, thì phải áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với cả 02 tội. Nếu điều luật quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết định khung hình phạt, nếu điều luật không quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,557

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn