Công dân phải có số điện thoại chính chủ mới được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (Đề xuất) (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Đây là nội dung được đề cập tại Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (bản dự thảo mới nhất) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (bản mới nhất) |
Cụ thể theo đề xuất mới nhất, để được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, công dân phải đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục này.
Khi đến làm thủ tục, công dân xuất trình thẻ căn cước, cung cấp số thuê bao di động chính chủ, địa chỉ thư điện tử của công dân (nếu có) và đề nghị tích hợp thông tin vào căn cước điện tử nếu có nhu cầu.
Đối với công dân Việt Nam là người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện thì người đại diện, người giám hộ sẽ sử dụng số thuê bao di động chính chủ của mình để kê khai, đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của các đối tượng này.
Sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan về việc kiểm tra, xác thực thông tin công dân, cơ quan quản lý sẽ gửi thông báo kết quả đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 qua số thuê bao di động chính chủ.
(Khoản 2 Điều 10 Dự thảo Nghị định)
Hiện hành tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP, khi công dân đến làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử. Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua tin nhắn SMS.
So với đề xuất trước đây cũng như quy định hiện hành thì dự thảo Nghị định đưa ra quy định chặt chẽ liên quan đến thông tin số điện thoại cung cấp trong quá trình đăng ký và cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 nhằm tăng cường tính xác thực đối với cá nhân được cấp loại tài khoản này; đồng thời phù hợp với yêu cầu xác thực thông tin viễn thông trong thời gian sắp tới.
Như vậy, nếu được ban hành thì từ ngày 01/7/2024, công dân thực hiện thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì cần phải có số điện thoại chính chủ.
Được biết tại Dự thảo Nghị định mới này, công dân từ đủ 06 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01, tài khoản định danh điện tử mức độ 02; Riêng công dân dưới 06 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 01. (Khoản 1 Điều 7 Dự thảo Nghị định) |
Thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Đối với công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
- Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.