Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/03/2024 14:15 PM

Cho tôi hỏi có phải Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải không? – Gia Khang (Bình Dương)

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Hình từ internet)

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 28/3/2024 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 127/TB-VPCP về kết luận của thường trực Chính phủ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Thường trực Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Văn kiện tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017; đồng thời, bám sát quá trình sơ kết Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 để kịp thời cập nhật, bổ sung, hoàn thiện nội dung chính sách trong quá trình xây dựng Luật.

- Tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là vị trí, vai trò, chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; Chính phủ và các bộ quản lý ngành thực hiện đúng chức năng tham mưu ban hành chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không làm thay trách nhiệm của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

- Đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là các thủ tục trong quá trình doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, tránh trùng lặp, chồng chéo với quy định pháp luật có liên quan.

Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của 06 chính sách trong đề nghị xây dựng  Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện về một số nội dung cụ thể như sau:

- Về đối tượng áp dụng: nghiên cứu, xác định rõ nội hàm “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác”, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 về xác định doanh nghiệp nhà nước.

- Về trình tự, thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án đầu tư của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp; tách bạch quy trình phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với quy trình quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Về thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, phê duyệt chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, phê duyệt danh mục chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp: nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, gắn với cơ chế kiểm soát, giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

- Về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển: nghiên cứu, tăng tỷ lệ tối đa trích lập Quỹ đầu tư phát triển để bảo đảm sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hằng năm, qua đó nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của nhà nước.

- Cần thuyết minh rõ hơn lý do đề xuất quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ đồng; Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 15.000 tỷ đồng trở lên.

- Về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn: thống nhất bổ sung và quy định rõ vị trí, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong  Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cần nghiên cứu làm rõ đối tượng là “Tổ chức khác được Chính phủ giao thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn”.

- Về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp: nghiên cứu bổ sung trường hợp sáp nhập công ty con vào công ty mẹ để phù hợp với thực tiễn cơ cấu lại công ty mẹ của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty thời gian qua.

Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp như sau:

- Đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thuộc phạm vi sau đây:

+ Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội;

+ Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh;

+ Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên;

+ Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 667

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]