Tải App trên Android

20 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam trong tương lai (dự kiến)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
25/03/2024 15:07 PM

Dự kiến trong tương lai Việt Nam sẽ có tới 20 thành phố trực thuộc Trung ương, đó là những địa phương nào?

Dự kiến 20 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam trong tương lai

Dự kiến 20 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam trong tương lai (Hình từ internet)

05 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay

Hiện nay, Việt Nam có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đó là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

(Xem chi tiết tại đây)

15 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện tại 59/63 tỉnh, thành trên cả nước đã được phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, có thêm 15 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ nay đến năm 2050.

#Khu vực miền bắc: 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Đầu tiên hãy đến với khu vực miền bắc. Khu vực này có tới 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Trong đó, Bắc Ninh nổi lên là trung tâm công nghiệp lớn, có Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Quảng Ninh là tỉnh quy tụ nhiều yếu tố để phát triển vượt bậc như có biên giới với Trung Quốc, có nhiều khoáng sản, có đường bờ biển dài với nhiều vịnh, đảo,... đường cao tốc dài nhất Việt Nam và di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long.

Ninh Bình được định hướng trong giai đoạn 2030-2035, có di sản kép - Tràng An

Còn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên và Hải Dương được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn đến năm 2050.

#Khu vực miền Trung và Tây nguyên: 4 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Tiếp theo là khu vực miền trung và Tây Nguyên, góp vào danh sách 4 tỉnh gồm: Khánh Hoà, Lâm Đồng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Đến 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh Thừa Thiên - Huế tự hào đã có Di sản văn hóa thế giới gồm Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003),...

Khánh Hoà được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn đến 2030.

Còn Lâm Đồng, Quảng Nam định hướng thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn đến năm 2050.

#Khu vực miền Nam: 3 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Sau cùng là 3 tỉnh thuộc khu vực miền Nam được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương sẽ lên trước năm 2030, còn Đồng Nai được định hướng trong giai đoạn 2030-2035.

Đây đều là 3 tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ, đầu tàu kinh tế của Việt Nam, trong khi Bình Dương có GRDP trong top 3 sau Hà Nội và TPHCM, thì Bà Rịa – Vũng Tàu đứng đầu cả nước về GRDP/người cao nhất Việt Nam cùng với cụm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, còn Đồng Nai thì có siêu dự án sân bay Long Thành lớn nhất Việt Nam. 

Tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương

Tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 bao gồm:

 (1) Quy mô dân số thành phố trực thuộc Trung ương: Có dân số từ 1.000.000 người trở lên.

(2) Diện tích tự nhiên thành phố trực thuộc Trung ương: Có diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.

(3) Đơn vị hành chính trực thuộc của thành phố trực thuộc Trung ương: Có số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên.

Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.

(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.

(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định.

Chẳng hạn như:

- Đủ cân đối thu chi ngân sách;

- Có thu nhập bình quân đầu người gấp 1,75 lần cả nước;

- Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước;… vv

Không chỉ vậy, còn có tiêu chí đặc thù đối với thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

- Thành phố ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50%, mức tối thiểu của tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội bằng 70% mức quy định đối với thành phố tương ứng; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định.

- Thành phố trực thuộc trung ương có 02 yếu tố đặc thù thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số, tiêu chuẩn tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện bằng 50% mức quy định; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định.

Cụ thể 2 yếu tố đặc thù đó là:

+ Có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận;

+ Được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thành phố có nhiều yếu tố đặc thù thì mỗi tiêu chuẩn chỉ được áp dụng mức giảm tương ứng với một yếu tố đặc thù quy định.

Như vậy, nếu các định hướng này trở thành hiện thực, sẽ nâng tổng số thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước lên con số 20.

20 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam trong tương lai (dự kiến)

5 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay:

- Hà Nội

- Đà Nẵng

- Hải Phòng

- TP. HCM

- Cần Thơ.

15 thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai

- Bắc Ninh;

- Hà Nam

- Hải Dương

- Hưng Yên

- Ninh Bình

- Quảng Ninh

- Vĩnh Phúc

- Thái Nguyên

- Khánh Hoà

- Lâm Đồng

- Quảng Nam

- Thừa Thiên Huế

- Bà Rịa - Vũng Tàu

- Bình Dương

- Đồng Nai

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,306

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]