Thủ tục chấp thuận việc bầu cử trong tôn giáo có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/03/2024 12:30 PM

Cho tôi hỏi thủ tục chấp thuận việc bầu cử trong tôn giáo có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam được quy định như thế nào? – Tấn Vũ (Bắc Giang)

Thủ tục chấp thuận việc bầu cử trong tôn giáo có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

Thủ tục chấp thuận việc bầu cử trong tôn giáo có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quy định bầu cử trong tôn giáo có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

Theo Điều 51 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định về việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài như sau:

- Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài bao gồm các trường hợp sau đây:

+ Tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

+ Tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho công dân Việt Nam ở Việt Nam.

- Người được đề nghị phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đề nghị phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Được đào tạo tôn giáo tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam;

+ Tuân thủ pháp luật Việt Nam.

- Việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 phải được sự chấp thuận trước của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

- Công dân Việt Nam được tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử ở nước ngoài khi về Việt Nam làm chức sắc, chức việc thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quản lý trực tiếp có trách nhiệm đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

- Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều 51 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

Thủ tục chấp thuận việc bầu cử trong tôn giáo có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

Căn cứ Điều 23 Nghị định 95/2023/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam như sau:

- Tổ chức tôn giáo có tín đồ là công dân Việt Nam được tổ chức tôn giáo nước ngoài dự kiến phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức sắc, chức việc ở Việt Nam có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản đề nghị nêu rõ tên, trụ sở của tổ chức tôn giáo đề nghị; tên, trụ sở của tổ chức tôn giáo nước ngoài; lý do đề nghị; họ và tên của người được đề nghị; phẩm vị, chức vụ, địa bàn phụ trách trước và sau khi được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử;

+ Bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người được dự kiến phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử;

+ Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của người được dự kiến phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.

- Tổ chức tôn giáo ở Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản đề nghị nêu rõ tên, trụ sở của tổ chức tôn giáo; lý do đề nghị; họ và tên, phẩm vị (nếu có), quốc tịch của người được đề nghị; phẩm vị được đề nghị;

+ Bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người được đề nghị;

+ Bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam cấp;

+ Bản sao hộ chiếu, bản chính hoặc bản sao có chứng thực phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người được đề nghị không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, đã được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo nguyên tắc có đi có lại. Trường hợp người được đề nghị đã cư trú ở Việt Nam trên 06 tháng liên tục phải có thêm bản chính phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

- Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 23 Nghị định 95/2023/NĐ-CP trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài chưa được cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chấp thuận thì không được sử dụng chức danh đó để hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.

Như vậy, việc bầu cử trong tôn giáo có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam được chấp thuận theo trình tự, thủ tục nêu trên.

Nghị định 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2024

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 662

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn