Quy định về chi phí khám chữa bệnh đối với người bệnh không có thân nhân (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 30/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Theo đó, tại Điều 121 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh đối với người bệnh không có thân nhân tại cơ sở khám chữa bệnh như sau:
(1) Chế độ khám chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng cho người bệnh nhưng không có thân nhân bao gồm:
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh: thực hiện theo quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
- Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho mỗi đối tượng trong thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 20/2021/NĐ-CP;
- Được cấp trang bị các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, dép, bàn chải đánh răng, băng vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các chi phí khác theo quy định;
- Chi phí vận chuyển người bệnh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến cơ sở trợ giúp xã hội. Căn cứ xác định chi phí vận chuyển là định mức tiêu hao nhiên liệu thực tế của phương tiện vận chuyển người bệnh.
(2) Nguồn kinh phí thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế đối với trường hợp người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế;
- Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 2 Điều 111 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
- Các nguồn tài trợ, huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác;
- Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
(3) Lập dự toán và phương thức thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước:
Công tác lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, các quy định pháp luật có liên quan và quy định sau:
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước:
+ Hàng năm vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, cơ sở định tại khoản (1) năm trước sau khi trừ đi các nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế; Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh; Các nguồn tài trợ, huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác, gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp;
+ Cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách năm sau gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định hoàn trả cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao để hoàn trả, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước để thực hiện rút dự toán chuyển sang tài khoản tiền gửi thu sự nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mở tại Kho bạc nhà nước.
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân:
+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia nuôi dưỡng, chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh không có thân nhân có văn bản gửi Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí đã chi theo chế độ quy định tại khoản (1) năm trước sau khi trừ đi các nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế; Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh; Các nguồn tài trợ, huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác;
+ Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét tổng hợp kinh phí đã chi theo chế độ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thuộc phạm vi quản lý gửi Cơ quan tài chính. Cơ quan tài chính có trách nhiệm xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, giải quyết theo quy định.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước cấp, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.
Nghị định 96/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.