Quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân từ ngày 15/02/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/01/2024 09:13 AM

Xin cho tôi hỏi có phải quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân từ ngày 15/02/2024 đúng không? – Hữu Phú (An Giang)

Quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân từ ngày 15/02/2024

Quân nhân vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân từ ngày 15/02/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 27/12/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có một số thay đổi mới liên quan đến quy định về vắng mặt trái phép của quân nhân.

Vắng mặt trái phép là gì?

Theo khoản 9 Điều 8 Thông tư 143/2023/TT-BQP, vắng mặt trái phép laà hành vi vắng mặt ở đơn vị dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ đến 72 giờ (ba ngày) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ đến 168 giờ (07 ngày) đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền.

Vắng mặt trái phép sẽ bị tước danh hiệu quân nhân từ ngày 15/02/2024

Cụ thể, các hình thức kỷ luật đối với quân nhân có hành vi vắng mặt trái phép mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền như sau:

(1) Người nào vắng mặt trái phép thì bị kỷ luật khiển trách.

(2) Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan.

- Là chỉ huy;

- Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

- Lôi kéo người khác tham gia;

- Trong sẵn sàng chiến đấu;

- Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Đặc biệt, nếu tái phạm và đã bị xử lý kỷ luật hình thức cao nhất được quy định tại (2) thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.

Hiện hành tại Thông tư 16/2020/TT-BQP, các mức hình thức kỷ luật đối với quân nhân có hành vi này sẽ bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

Như vậy, Thông tư 143/2023/TT-BQP đã tăng thêm mức độ kỷ luật cao nhất được áp dụng trong kỷ luật quân đội đối với hành vi vắng mặt trái phép.

Quy định về vắng mặt trái phép tại Thông tư 16/2020/TT-BQP

(1) Vắng mặt ở đơn vị dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ trở lên đến 03 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ trở lên đến 07 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

(2) Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm:

- Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

- Lôi kéo người khác tham gia;

- Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

(Điều 19 Thông tư 16/2020/TT-BQP)

Đối tượng nào áp dụng trong Thông tư 143/2023/TT-BQP?

Cụ thể tại Điều 2 Thông tư 143/2023/TT-BQP, các đối tượng áp dụng các quy định liên quan đến xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm:

(1) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây, gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

(2) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu của Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (gọi tắt là người làm việc trong tổ chức cơ yếu).

(3) Lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ.

(4) Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

(5) Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đang đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội, trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật.

(6) Học viên đào tạo sĩ quan dự bị tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội; công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội.

(7) Người thôi phục vụ trong Quân đội, thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ nhưng vi phạm kỷ luật trong thời gian tại ngũ, làm việc đến mức phải xử lý kỷ luật.

Thông tư 143/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024; thay thế Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.

Khi có văn bản mới thay thế các văn bản được chỉ dẫn trong Thông tư 143/2023/TT-BQP thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,951

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn