Công văn hướng dẫn của cơ quan Thuế phải cụ thể, không trích dẫn luật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
24/11/2023 12:45 PM

Xin cho tôi hỏi tại sao các công văn hướng dẫn của cơ quan Thuế chỉ trích luật, luật có điều chỉnh vấn đề này không? - Văn Kiên (Đồng Nai)

Công văn hướng dẫn của cơ quan Thuế phải cụ thể, không trích dẫn luật

Công văn hướng dẫn của cơ quan Thuế phải cụ thể, không trích dẫn luật (Hình từ internet)

Ngày 09/11/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5029/TCT-PC về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành công văn hướng dẫn về chính sách thuế, quản lý thuế liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

1. Công văn hướng dẫn của cơ quan Thuế phải cụ thể, không trích dẫn luật

Theo đó tại Công văn 5029/TCT-PC năm 2023, Tổng cục Thuế yêu cầu về nội dung, trình tự, thủ tục và thể thức của văn bản hướng dẫn của cơ quan Thuế như sau:

- Về nội dung trả lời: Văn bản hướng dẫn của cơ quan Thuế phải đảm bảo theo đúng thẩm quyền, không được chứa quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

+ Nội dung hướng dẫn theo đúng các nội dung vướng mắc của cơ quan Thuế cấp dưới, người nộp thuế; không hướng dẫn ngoài nội dung vướng mắc, ngoài trường hợp cụ thể nêu tại công văn hỏi của cơ quan Thuế cấp dưới, người nộp thuế.

+ Trường hợp vướng mắc của người nộp thuế, cơ quan Thuế cấp dưới đề nghị hướng dẫn đã được chính sách pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể thì cơ quan Thuế xử lý trả lời, hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cụ thể mà cơ quan Thuế cấp dưới, người nộp thuế đã đề nghị; không chỉ trích dẫn quy định pháp luật và đề nghị cơ quan Thuế, người nộp thuế nghiên cứu thực hiện.

+ Trường hợp vướng mắc mà người nộp thuế, cơ quan Thuế cấp dưới đề nghị hướng dẫn mà pháp luật thuế chưa có quy định rõ ràng, cụ thể thì cơ quan Thuế khi nhận được vướng mắc phải nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết để xem xét, xử lý và có trách nhiệm ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

- Về trình tự, thủ tục và thể thức của văn bản: Cơ quan Thuế các cấp thực hiện các quy định về soạn thảo và ban hành văn bản theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP; Quy chế công tác văn thư tại cơ quan Thuế các cấp ban hành kèm theo Quyết định 1283/QĐ-TCT năm 2020.

Để thuận tiện cho tra cứu, cần lưu ý như sau:

+ Tại phần “Trích yếu nội dung văn bản”, cần nêu trích yếu cụ thể, đúng vấn đề hướng dẫn, không nêu chung chung như “trả lời chính sách thuế”.

+ Tại phần đầu nội dung văn bản hướng dẫn (Tổng cục Thuế/Cục Thuế... nhận được công văn số....Tổng cục Thuế/Cục Thuế trả lời về việc... ), cần mô tả khái quát được nội dung trả lời tại văn bản và gắn được với đặc điểm cụ thể của tình huống vướng mắc.

2. Một số lưu ý trong việc tiếp nhận và xử lý văn bản vướng mắc của người nộp thuế

- Khi nhận được các vướng mắc của cơ quan Thuế cấp dưới, người nộp thuế liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế mà vướng mắc gửi đã rõ ràng hoặc có hồ sơ đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận thực hiện xử lý theo quy định. Trường hợp, vướng mắc nêu không rõ ràng hoặc không có hồ sơ đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận, xử lý phải yêu cầu người nộp thuế, cơ quan Thuế cấp dưới nêu rõ vướng mắc, bổ sung hồ sơ để có đủ thông tin, cơ sở hướng dẫn, trả lời.

Việc xử lý văn bản tại đơn vị chủ trì cần lưu ý đảm bảo về thời hạn xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Quy chế làm việc của cơ quan Tổng cục Thuế ban hành kèm theo Quyết định 2282/QĐ-TCT năm 2017; thời hạn quy định tại Quy chế làm việc của Cục Thuế, Chi cục Thuế.

- Đối với trường hợp người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan Thuế hướng dẫn, áp dụng pháp luật liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế cụ thể thì cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan Thuế quản lý khoản thu được phân công quản lý đối với sắc thuế, khoản thu mà người nộp thuế có vướng mắc có trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn cho người nộp Thuế trên cơ sở hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cụ thể của người nộp thuế.

- Trường hợp cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan Thuế quản lý khoản thu (đối với vướng mắc về khoản thu theo phân công quản lý) đã có văn bản hướng dẫn nhưng người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng và tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan Thuế cấp trên hướng dẫn thì cơ quan Thuế cấp trên phải yêu cầu cơ quan quản lý thuế trực tiếp hoặc cơ quan Thuế quản lý khoản thu cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cụ thể của người nộp thuế đó để có căn cứ và thực hiện trả lời (lưu ý chỉ trả lời trong trường hợp cơ quan Thuế quản lý trực tiếp chưa có quyết định hành chính thuế xử lý).

- Trường hợp cơ quan Thuế cấp dưới trong quá trình nghiên cứu hướng dẫn cho người nộp thuế có phát sinh vướng mắc và có văn bản đề nghị cơ quan Thuế cấp trên hướng dẫn thì văn bản hỏi của cơ quan Thuế cấp dưới đối với cơ quan Thuế cấp trên phải từ vướng mắc xảy ra trong thực tế của người nộp thuế hoặc cơ quan Thuế (không giả định tình huống), trong đó phải nêu rõ ràng, đầy đủ tình huống vướng mắc thực tế, phân tích căn cứ pháp luật áp dụng và đề xuất phương án xử lý cụ thể để cơ quan Thuế cấp trên nghiên cứu trả lời. Trường hợp văn bản hỏi không đảm bảo nội dung này thì Văn phòng, đơn vị được phân công chủ trì trả lời (thuộc Cục Thuế hoặc Tổng cục Thuế) trả văn bản về Chi cục Thuế hoặc Cục Thuế.

Xem thêm Công văn 5029/TCT-PC ban hành ngày 09/11/2023.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,813

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]