Bộ Y tế giải đáp một số vướng mắc về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (Hình từ internet)
Ngày 03/11/2023, Bộ Y tế ban hành Công văn 7133/BYT-BH phúc đáp Công văn 3503/BHXH-CSYT năm 2023 về thực hiện một số quy định của Nghị định 75/2023/NĐ-CP.
Vướng mắc 1
Về nội dung đề nghị làm rõ: “Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định định danh và xác thực điện tử.” là các giấy tờ gì? Thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp trên các ứng dụng VssID, VNeID có được sử dụng để xuất trình khi đi khám chữa bệnh không? |
Theo Luật Bảo hiểm y tế, tại Khoản 1 Điều 28 về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định:
“Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.”
Quy định này nhằm xác định đúng người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Để tạo điều kiện cho người dân, khoản 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định:
“Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử (Nghị định số 59/2022/NĐ-CP).”
Nghị định quy định theo hướng bao quát để bảo đảm khi thẻ bảo hiểm y tế không có ảnh, người dân có thể thay thế bằng các loại giấy tờ hợp pháp khác chứng minh nhân thân có ảnh để nhận diện khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Như vậy, căn cứ các quy định của Luật và Nghị định, khi đi khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế có thể lựa chọn xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân.
Chỉ trong trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế nhưng không có ảnh thì người tham gia bảo hiểm y tế mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP.
(1) Về các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác:
Hiện nay, ngoài thẻ căn cước công dân, một số văn bản pháp luật có quy định về giấy tờ tùy nhân, nhân thân như:
- Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có quy định các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân như: chứng minh nhân dân, hộ chiếu; sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh.
- Nghị định 136/2007/NĐ-CP có quy định hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân.
- Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định các giấy tờ chứng minh về nhân thân như: hộ chiếu; chứng minh nhân dân; giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
- Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 28/2020/TT-BGTVT và Thông tư 41/2020/TT-BGTVT có quy định công dân Việt Nam khi làm thủ tục hàng không cho các chuyến bay trong nước, có thể xuất trình một trong các loại giấy tờ nhân thân như: hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời; thẻ thường trú, thẻ tạm trú; chứng minh nhân dân, giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân; giấy chứng minh, chứng nhận của quân đội nhân dân; thẻ đại biểu quốc hội; thẻ đảng viên; thẻ nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các Hãng hàng không Việt Nam.
Hiện nay, các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế và ảnh của người có thẻ bảo hiểm y tế cơ bản đã được tích hợp trên thẻ căn cước công dân và mã định danh công dân nên về cơ bản đã đủ thông tin, hình ảnh phục vụ thuận tiện cho việc xuất trình khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
(2) Về giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2:
Theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP tại khoản 7 Điều 3 quy định:
“Thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử” là những thông tin của chủ thể danh tính điện tử được thể hiện trong các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và đã được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử theo đề nghị của chủ thể danh tính điện tử, gồm thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an”.
Tại khoản 2 Điều 12 quy định: Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân gồm những thông tin quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định này, trong đó có ảnh chân dung.
Khoản 5 Điều 13 quy định việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó, Khoản 8 quy định khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
(3) Về việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp trên các ứng dụng VssID, VNeID khi đi khám bệnh, chữa bệnh:
Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp trên ứng dụng VNeID: Tài khoản của người dân đã được định danh điện tử mức độ 2 thì được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tích hợp trên ứng dụng VNeID để đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Nghị định 59/2022/NĐ-CP.
Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp trên ứng dụng VssID: Nội dung này hiện đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm. Trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP để đăng nhập ứng dụng VssID thì có thể được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tích hợp trên ứng dụng VssID để đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Vướng mắc 2
Về việc áp dụng hiệu lực thi hành đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị trong giai đoạn chuyển tiếp theo quy định tại Điều 4 Nghị định 75/2023/NĐ-CP: |
- Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 156 về Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định:
“Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.”
- Tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP, Điều 3 về hiệu lực thi hành đã quy định khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 19/10/2023; Điều 4 về Điều khoản chuyển tiếp đã quy định:
“Người tham gia bảo hiểm y tế vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, g và h khoản 1, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ và quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.”
Như vậy, căn cứ như trên thì thời điểm áp dụng hiệu lực thi hành đối với quy định chuyển tiếp tại Điều 4 liên quan đến trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP là từ ngày 19/10/2023. Nghị định 75/2023/NĐ-CP không sửa đổi, bổ sung các quy định tại các điểm b, c, d, đ, g và h khoản 1, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP mà chỉ dẫn chiếu cho đầy đủ nên hiện nay các quy định này vẫn đang có hiệu lực thi hành.
Xem thêm Công văn 7133/BYT-BH ban hành ngày 03/11/2023.