Khám sức khỏe trước cưới – đôi ngả băn khoăn

30/07/2013 09:29 AM

Nhiều lần lấy ý kiến nhưng Ban soạn thảo Luật HN-GĐ sửa đổi bổ sung đã không đưa quy định khám sức khỏe tiền hôn nhân vào Luật. Tuy nhiên, với những chuyên gia pháp lý của hai đạo luật về hôn nhân – gia đình và dân số, điều đó không có nghĩa là sự cân nhắc “khuyến khích hay bắt buộc” về vấn đề này đã dừng lại…

"Bắt tay" tư pháp để… kiểm tra sức khỏe tân lang, tân nương

 

Từ năm 2003, tức là cách đây 10 năm tròn, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã triển khai thí điểm một số mô hình, hoạt động can thiệp cho vị thành niên, thanh niên và đối tượng chuẩn bị kết hôn nhằm tăng cường cung cấp cho các nhóm đối tượng này cả về kiến thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, những kỹ năng sống cơ bản chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống gia đình.

 

Trên cơ sở thí điểm thành công, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đã từng bước mở rộng địa bàn triển, để đến năm 2013 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có mô hình với tên thống nhất là “Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Tại một số địa phương trong cả nước, mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được thực hiện hiệu quả. Tính riêng năm 2012, ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương (cấp cho 1.402 xã), đã có 564 xã tự bổ sung kinh phí địa phương để triển khai mô hình.

 

“Quan điểm chung của những người xây dựng dự thảo Luật Dân số là tiếp cận các vấn đề trên cơ sở quyền của người dân được đảm bảo” - Ông Trần Ngọc Sinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DS-KHHGĐ.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, Long An là một trong số rất ít địa phương hỗ trợ kinh phí cho các trường hợp khám sức khỏe tiền hôn nhân, với mức tiền là 160.000đ/người, bao gồm khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm viêm gan B và HIV.

 

Không những thế Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Long An còn có sáng kiến kết hợp với ngành tư pháp để hướng dẫn người dân về tính cần thiết của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Mỗi cặp nam nữ khi đến UBND đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp hộ tịch sẽ gửi giấy giới thiệu lên trung tâm y tế huyện để họ được tư vấn và khám, đồng thời tên họ vào mẫu giấy quản lý đối tượng đến tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

 

Cũng là một địa phương nhận thức và triển khai tốt về vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Tư pháp thành phố để họ có văn bản chỉ đạo xuống hệ thống quận, huyện, xã, phường.

 

Mới đây nhất, trong lễ tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số   và chuẩn bị xây dựng Pháp lệnh dân số mới, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM vừa đề xuất UBND thành phố bắt buộc các đôi lứa muốn được đăng ký kết hôn phải khám sức khỏe. Vì chương trình tầm soát sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện miễn phí trong thời gian qua cho thấy 20-30% đôi vợ chồng bị mắc một số bệnh, theo bà Bà Tô Kim Hoa, Chi cục trưởng.   

Có nên “xiết” bằng luật?

 

Không chính xác khi nói rằng, trước nay chưa có văn bản đề cập tới vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ngược lại đã có tương đối nhiều luật, chính sách nhắc tới vấn đề này. Đơn cử như Khoản 1, Điều 23 Pháp lệnh Dân số; Điều 25 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP;  Quyết định 05/QĐ-BYT ngày 7/1/2011 của Bộ Y tế…, nhưng tất cả đều dừng lại ở ngưỡng khuyến khích, động viên. 

 

Tuy nhiên, từ thực tế nhiều người dân và cả ngành y tế không mặn mà với việc này (tại Cao Bằng năm 2011 chỉ có 6 cặp chuẩn bị kết hôn đi khám, năm 2012 không có ai, vì người đi khám phải mất phí, khám lẫn với người bệnh), nên các nhà làm luật đã cân nhắc tới vấn đề cần “xiết” bằng luật để đảm bảo sự thực thi với cả người dân lẫn y tế.

 

Khi sửa đổi Luật HN-GĐ, Bộ Tư pháp đưa ra ra hướng để lựa chọn là nên giữ nguyên quy định không đòi hỏi người kết hôn phải có giấy chứng nhận sức khỏe vì gây phiền hà, tốn kém cho người dân hoặc phải có giấy chứng nhận sức khỏe để đảm bảo mục đích của kết hôn là xây dựng gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh. Sau nhiều lần bàn bạc, Bộ Tư pháp đã nhất trí không đưa vấn đề này vào trong dự thảo, trước mắt chỉ nên tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện, để tiến tới việc luật hóa sau này.

 

Vấn đề này lại một lần nữa được xới xáo khi Luật Dân số bắt đầu được xây dựng. Tuy nhiên, cũng như đồng nghiệp, các chuyên gia của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế lại “đứng” trước đôi đường “khuyến khích” hay “bắt buộc”.

 

Khuyến khích thì là công việc xưa nay đã có, đã làm, còn nếu bắt buộc thì có rất nhiều vấn đề cần được luật hóa như: Các nội dung chủ yếu quy định về quy trình, nội dung tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; nhu cầu và điều kiện của nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; điều kiện và trách nhiệm của cơ sở dịch vụ y tế để thực hiện tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân… 

 

Bên cạnh đó, một trong những lý do người dân e ngại việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là những bí mật về bệnh tật của họ sẽ bị lộ. Vậy nếu như việc khám sức khỏe tiền hôn nhân được luật hóa, thì chế tài nào sẽ đảm bảm cho tính bảo mật thông tin liên quan đến sức khỏe khách hàng?. Trong khi thực tế cho thấy, những tiết lộ về kết quả xét nghiệm HIV đã nhiều lần bị lộ ra từ cơ sở y tế, khiến nhiều nạn nhân khốn khổ.

 

Hồng Minh

Theo phapluatvn.vn

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,217

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn