Nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
21/06/2023 17:41 PM

Nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024 là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023 do Quốc hội ban hành.

Nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024

Nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024 (Hình từ Internet)

Ngày 08/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024

Cụ thể, Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024 sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

- Xem xét các báo cáo của Chính phủ về:

+ Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023;

+ Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024;

+ Báo cáo tài chính nhà nước năm 2022; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022;

+ Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023;

+ Tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023;

+ Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

- Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV;

- Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;

- Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 như:

+ Dự án Sân bay Long Thành;

+ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025;

+ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội;

+ Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh;

+ Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1;

+ Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1;

+ Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1;

- Xem xét các báo cáo về: việc thực hiện Nghị quyết 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc thực hiện Nghị quyết 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An;

- Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có);

- Xem xét các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của Quốc hội

Cụ thể tại Điều 7 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của Quốc hội có trách nhiệm như sau:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận;...

- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi đến Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có liên quan chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Hội đồng nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Ủy ban nhân dân có trách nhiệm gửi quyết định mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp có liên quan chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản.

- Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp báo cáo, trình bày những vấn đề mà chủ thể giám sát yêu cầu; trường hợp không thể trực tiếp báo cáo, trình bày được thì ủy quyền cho cấp phó của mình.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan.

Xem thêm tại Nghị quyết 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,406

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn