Thế nào là dữ liệu cá nhân nhạy cảm?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
18/04/2023 11:05 AM

Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó định nghĩa về dữ liệu cá nhân nhạy cảm chủ thể dữ liệu.

Thế nào là dữ liệu cá nhân nhạy cảm?

Thế nào là dữ liệu cá nhân nhạy cảm? (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 bảo vệ dữ liệu cá nhân.

1. Thế nào là dữ liệu cá nhân nhạy cảm?

Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm:

- Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo;

- Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu;

- Thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc;

- Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân;

- Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân;

- Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân;

- Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật;

- Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm:

+ Thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật

+ Thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi

+ Thông tin về tài sản gửi

+ Thông tin về giao dịch

+ Thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

- Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị;

- Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết.

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

(Khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)

2. Quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Cụ thể tại Điều 28 Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm như sau:

- Áp dụng các biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 26 và Điều 27 Nghị định 13/2023/NĐ-CP.

Cụ thể có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây:

+ Biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện;

+ Biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện;

+ Biện pháp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

+ Biện pháp điều tra, tố tụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện;

+ Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Chỉ định bộ phận có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ định nhân sự phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trao đổi thông tin về bộ phận và cá nhân phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân với Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trường hợp Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu, Bên thứ ba là cá nhân thì trao đổi thông tin của cá nhân thực hiện.

- Thông báo cho chủ thể dữ liệu biết việc dữ liệu cá nhân nhạy cảm của chủ thể dữ liệu được xử lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 13/2023/NĐ-CP.

3. Các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Dữ liệu cá nhân được xử lý theo quy định của pháp luật.

(2) Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

(3) Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.

(4) Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý. Dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.

(5) Dữ liệu cá nhân được cập nhật, bổ sung phù hợp với mục đích xử lý.

(6) Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật.

(7) Dữ liệu cá nhân chỉ được lưu trữ trong khoảng thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(8) Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải chịu trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc xử lý dữ liệu được quy định từ (1) tới (7) và chứng minh sự tuân thủ của mình với các nguyên tắc xử lý dữ liệu đó.

Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,805

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn