Tải App trên Android

Đề xuất sửa đổi Luật Công chứng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
02/02/2023 17:09 PM

Tại dự thảo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật xin hỏi là thay đổi gì về Luật công chứng không? - Vân Anh (TPHCM)

Đề xuất sửa đổi Luật Công chứng

Đề xuất sửa đổi Luật Công chứng (Hình từ Internet)

Dự thảo tờ trình

Đây là nội dung được quy định tại Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023.

Theo đó, việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) được đề xuất như sau:

1. Một số bất cập khi thực hiện trong hoạt động công chứng

1.1. Một số thủ tục công chứng còn bất cập

Một số quy định của Luật Công chứng về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch còn bất cập, chưa thực sự phản ánh bản chất của hoạt động công chứng, cụ thể như:

- Điều 40 Luật Công chứng 2014 quy định:

Việc xuất trình bản chính chỉ được thực hiện trước khi CCV ghi lời chứng và ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch, trong khi đó việc xuất trình bản chính nếu có thể thực hiện ở giai đoạn trước đó sẽ giúp phát hiện sớm một số vấn đề vướng mắc của việc công chứng hợp đồng, giao dịch.

+ Khoản 8 Điều 40 và Khoản 3 Điều 41 Luật Công chứng 2014 đều có quy định nội dung sau:

“CCV yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng 2014 để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.”

Theo đó, ngoài phiếu yêu cầu công chứng, người yêu cầu công chứng cần xuất trình bản chính:

(i) Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

(ii) Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

(iii) Giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Đối với giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng (mục i, ii) thì:

Việc xuất trình bản chính là bắt buộc và cần thiết để chứng minh về nhân thân và quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người yêu cầu công chứng tại thời điểm công chứng.

Tuy nhiên, đối với các giấy tờ liên quan đến hợp đồng giao dịch thì có thể không nhất thiết phải có bản chính, chẳng hạn như:

- Giấy tờ hộ tịch để chứng minh các sự kiện chỉ xảy ra một lần duy nhất như: giấy khai sinh, giấy chứng tử… thì:

Có thể cho phép người yêu cầu công chứng sử dụng bản sao trích lục, bản sao có chứng thực để thay thế mà vẫn bảo đảm giá trị chứng cứ để chứng minh cho tình tiết, sự kiện đó, ít nhất là nó chứng minh được tại thời điểm cấp bản sao đó thì đã tồn tại một bản chính hợp pháp với đúng nội dung như vậy.

- Quy định của Luật Công chứng 2014 về thời hạn công chứng, địa điểm công chứng, ngôn ngữ dùng trong hoạt động công chứng… bộc lộ những điểm chưa phù hợp trong quá trình thực hiện.

+ Thời hạn công chứng quá ngắn sẽ là lý do nhiều CCV viện cớ cho việc không đủ thời gian để kiểm tra, xác minh tính xác thực của đối tượng giao dịch và các yếu tố khác có liên quan, cũng là kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng yêu cầu tuyên văn bản công chứng vô hiệu nhằm trốn tránh trách nhiệm.

+ Quy định địa điểm công chứng có thể ngoài trụ sở trong trường hợp “có lý do chính đáng” mà không có sự giải thích thêm thế nào là lý do chính đáng đã khiến nguyên tắc chung về việc địa điểm công chứng phải tại trụ sở TCHNCC hầu như không còn giá trị trên thực tế.

hành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin công chứng ở các tỉnh/thành phố.

+ Luật Công chứng chưa quy định giá trị pháp lý của cơ sở dữ liệu thông tin công chứng, dẫn đến nhiều lúng túng trong việc sử dụng dữ liệu khi giải quyết hồ sơ công chứng đồng thời thiếu căn cứ ràng buộc trách nhiệm đối với CCV.

+ Luật Công chứng chưa quy định cơ chế chia sẻ dữ liệu, bảo mật dữ liệu công chứng. Ở nhiều nơi, dữ liệu công chứng được khai thác và tra cứu dễ dàng, tiết lộ nhiều thông tin của khách hàng với những đối tượng không liên quan, gián tiếp gây ra những thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.

1.2. Chồng chéo trong nhiệm vụ công chứng viên và người làm chứng thực

- Luật Công chứng quy định công chứng viên (CCV) xác nhận và chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Tuy nhiên, quy định về nhiệm vụ của CCV cũng như trình tự, thủ tục công chứng lại không phù hợp và chưa có cơ chế ràng buộc cũng như hỗ trợ để CCV thực hiện được và thực hiện đúng trách nhiệm của mình (nghĩa vụ kiểm tra, xác minh chưa đương nhiên thuộc về CCV mà CCV chỉ được tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;

CCV chỉ được đối chiếu bản chính trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;

Thời hạn công chứng thường không đủ nếu CCV thực sự tiến hành việc kiểm tra, xác minh về đối tượng của hợp đồng, giao dịch và các yếu tố có liên quan;

Chưa quy định CCV phải có giải pháp bảo đảm là đối tượng của hợp đồng là có thật, đúng hiện trạng được mô tả …).

- Sự chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ giữa CCV và người làm nhiệm vụ chứng thực theo quy định của Luật Công chứng và Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực Hợp đồng, giao dịch.

+ Đối với hợp đồng, giao dịch thì cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu công chứng theo Luật Công chứng 2014 hoặc chứng thực theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

Hợp đồng, giao dịch được công chứng hoặc được chứng thực có giá trị pháp lý như nhau, tuy nhiên về tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ trách nhiệm, quy trình thủ tục… thì giữa công chứng và chứng thực có sự chênh lệch lớn, bất hợp lý.

+ Cùng một việc dịch và chứng nhận giấy tờ, tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (hoặc ngược lại) thì:

Cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu công chứng bản dịch tại TCHNCC hoặc yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng tư pháp.

Đối với công chứng bản dịch, theo quy định của Luật Công chứng thì CCV phải chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản và trường hợp không bảo đảm một trong các yếu tố này (đặc biệt là tính chính xác) thì:

CCV vi phạm pháp luật, đối diện với nguy cơ bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Trong khi đó, theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì người thực hiện chứng thực chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người dịch trong bản dịch.

Sự chênh lệch về trách nhiệm như trên dẫn đến việc hầu hết CCV còn dè dặt trong công chứng bản dịch để tránh nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra.

1.3. Một số bất cập khác liên quan đến hoạt động công chứng

Tại dự thảo nêu lên bất cập hiện nay liên quan đến hoạt động công chứng, đơn cử như:

- Chất lượng một số công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng còn chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao;

- Việc phát triển TCHNCC còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, không đồng đều, chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Một số Văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại chỉ đứng danh.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu;

- Công tác quản lý nhà nước về công chứng có mặt còn chưa thực sự hiệu quả, kịp thời; có lúc, có nơi còn lúng túng;

2. Đề xuất sửa đổi Luật Công chứng

Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hiện hành, theo đó nghiên cứu xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Thời gian trình Luật Công chứng (sửa đổi): Dự kiến trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,964

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]