Hướng dẫn thực hành quyền công tố, kiểm sát sơ thẩm vụ án hình sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
07/01/2023 10:45 AM

Năm 2023, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự thực hiện thế nào? - Thành Đạt (Quảng Ninh)

Ngày 05/01/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn 06/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội năm 2023.

Hướng dẫn 06/HD-VKSTC

Hướng dẫn thực hành quyền công tố, kiểm sát sơ thẩm vụ án hình sự

Hướng dẫn thực hành quyền công tố, kiểm sát sơ thẩm vụ án hình sự (Hình từ Internet)

Theo đó, hướng dẫn việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét  xử sơ thẩm các vụ án hình sự năm 2023 như sau:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Viện trưởng  Viện KSND tối cao về chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và các quy chế,  hướng dẫn nghiệp vụ của ngành. 

Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát  điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án trật tự xã hội, Viện kiểm sát  các cấp quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau: 

1. Hướng dẫn thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án

- Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch kiểm sát, nhật ký kiểm sát điều tra, kiểm sát chặt chẽ mọi hoạt động điều tra, đảm bảo mọi hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ phải đúng trình tự, thủ tục quy định trong  Bộ luật tố tụng hình sự, không để những vi phạm, thiếu sót xảy ra. 

Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên ngay từ giai  đoạn khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra, nắm chắc tiến độ điều tra, chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra chính xác, chất lượng, sát thực để hỗ trợ Điều  tra viên thu thập chứng cứ làm rõ vụ án. 

Trong việc xét phê chuẩn các quyết định  của Cơ quan điều tra, phải thận trọng, kiên quyết không phê chuẩn hoặc huỷ bỏ  quyết định trái pháp luật. 

Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án có tính  chất phức tạp, việc thu thập chứng cứ có nhiều khó khăn, bị can không nhận tội, có khiếu nại Điều tra viên vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên cần trực tiếp hỏi cung bị  can, lấy lời khai những người tham gia tố tụng và trực tiếp xem xét đánh giá các  chứng cứ, vật chứng thu thập được trước khi đề xuất phê chuẩn các quyết định tố tụng. 

Khi báo cáo đề xuất phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên phải lập báo cáo đề xuất theo mẫu quy định, tổng hợp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có bản thống kê chứng cứ. 

Trước khi kết thúc điều tra vụ án, phối hợp với Cơ quan điều tra đánh giá toàn bộ hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội, thống nhất đường lối xử lý vụ án bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội. 

- Triển khai thực hiện nghiêm quy định về hỏi cung bị can có ghi âm hoặc  ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Thông tư liên tịch 03/2018Quy trình 264/QĐ-VKSTC

Triển khai hiệu  quả số hoá hồ sơ vụ án, xây dựng hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát có chứa phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử; triển khai thực hiện việc báo cáo giải quyết án bằng  sơ đồ (sơ đồ tư duy), số hoá, điện tử hoá. 

- Kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra để ban  hành kiến nghị yêu cầu khắc phục, đảm bảo chất lượng của các kiến nghị phải  được Cơ quan điều tra chấp nhận, khắc phục sửa chữa. 

Thông qua hoạt động kiểm sát kịp thời phát hiện những sơ hở thiếu sót trong quản lý nhà nước là  nguyên nhân phát sinh tội phạm để kiến nghị phòng ngừa tội phạm với các cơ quan, tổ chức liên quan.

2. Hướng dẫn thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố

Trước khi quyết định việc truy tố, phải phúc tra,  kiểm tra thận trọng các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, nghiên cứu, đánh  giá chính xác, khách quan, toàn diện các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội,  nếu thấy cần thiết thì Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can, ghi lời khai người  làm chứng, người bị hại, trực tiếp xem xét các dấu vết, vật chứng. 

Nâng cao chất  lượng xây dựng và ban hành bản Cáo trạng, bảo đảm Cáo trạng được xây dựng  đúng mẫu quy định, việc truy tố bị can đúng người, đúng tội danh, điều, khoản,  đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội và đúng thời hạn luật định. 

3. Hướng dẫn thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

- Kiểm sát viên phải nghiên cứu, kiểm tra lại  các chứng cứ tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, thống kê và nắm chắc các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, nội dung vụ án; xây dựng kỹ đề cương xét hỏi, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, các vấn đề cần xét hỏi tại phiên toà; xây dựng kế hoạch tranh luận, đối đáp tại phiên tòa và dự thảo bản luận tội ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử, chuẩn bị thực hiện có hiệu quả việc tranh tụng tại phiên toà bảo vệ  quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. 

Tại phiên tòa phải chủ động xét hỏi, tranh  luận làm rõ các tình tiết của vụ án, khi tranh luận cần lưu ý đưa ra những chứng cứ  tài liệu và lập luận để đối đáp đầy đủ các ý kiến của bị cáo, người bào chữa và  những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. 

Kiểm sát chặt chẽ Bản án, biên  bản phiên toà. Kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử để ban hành kiến nghị, kháng nghị khắc phục bảo đảm cho việc giải quyết vụ án  đúng pháp luật; tăng cường thực hiện quyền kháng nghị, đặc biệt là kháng nghị  ngang cấp. 

Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án”  và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để phục vụ tích cực, hiệu  quả cho việc giải quyết vụ án. 

Đối với các vụ án do VKSND tối cao ban hành Cáo  trạng phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm thì thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát  cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới ban hành kèm theo Quyết định 314/QĐ VKSTC ngày 05/7/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao…

Xem thêm nội dung tại Hướng dẫn 06/HD-VKSTC ngày 05/01/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,606

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn