Bỏ chứng chỉ tin học đối với báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT ngày 05/12/2022 sửa đổi Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm GDTX ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT.
Theo đó, tiêu chuẩn của báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên được thay đổi như sau:
Cụ thể, quy định mới về tiêu chuẩn của báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên như sau:
- Có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; có tinh thần trách nhiệm, khả năng cộng tác với đồng nghiệp; có khả năng hướng dẫn, tư vấn giáo viên, cán bộ quản lý tự học; nắm vững quy trình tổ chức, nội dung, kỹ thuật, phương pháp, hình thức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên.
(Tại Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT, báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên phải có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý (từ 03 năm trở lên))
- Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, xây dựng và phát triển tài liệu, học liệu để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
(Theo quy định hiện hành, báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên phải có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT)
Ngoài ra, báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên còn phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn được quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 9 Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT, bao gồm:
- Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên và phẩm chất, năng lực nghề nghiệp tốt;
- Nắm vững Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, có khả năng truyền đạt nội dung tài liệu bồi dưỡng thường xuyên phù hợp với đối tượng bồi dưỡng.
Theo khoản 2 Điều 6 Quy chế ban hành Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT, các loại hình tổ chức bồi dưỡng thường xuyên bao gồm:
(1) Tập trung: Thực hiện bồi dưỡng tập trung; hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý trong học tập bồi dưỡng thường xuyên; tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý có cơ hội được trao đổi, chia sẻ, thảo luận về chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng thực hành.
Thời lượng, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý tham gia học tập bồi dưỡng tập trung được thực hiện theo phân cấp quản lý nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về mục đích, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng được quy định trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên và các quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT.
(2) Từ xa: Thực hiện bồi dưỡng từ xa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng internet cho giáo viên, cán bộ quản lý bảo đảm các yêu cầu về mục đích, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng được quy định trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên và các quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT;
(3) Bán tập trung: Kết hợp loại hình tổ chức bồi dưỡng tập trung và từ xa được quy định tại (1), (2) đảm bảo hiệu quả và yêu cầu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý.
Việc bồi dưỡng thường xuyên được thực hiện dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:
- Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học, chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm và nhu cầu phát triển của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, của địa phương và của ngành.
- Bảo đảm đề cao ý thức tự học, bồi dưỡng liên tục tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm của giáo viên, cán bộ quản lý.
- Thực hiện phân công, phân cấp và cơ chế phối hợp trong tổ chức BDTX.
- Bảo đảm thiết thực, chất lượng, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2023.