Hoạt động chứng thực tại UBND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Ngày 12/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết 5 năm thi hành luật công chứng và Tổng kết công tác chứng thực (2007 - 2013). Đại diện sở Tư pháp và các tổ chức hành nghề công chứng của 63 tỉnh thành trong cả nước đã về dự tại 5 đầu cầu Hà Nội, Yên Bái, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng, chứng thực
Sau 5 năm thi hành Luật công chứng, tình hình hoạt động trong lĩnh vực công chứng đã có những bước phát triển mạnh. Các tổ chức hành nghề công chứng nở rộ. Cả nước hiện có 625 tổ chức hành nghề công chứng (138 phòng công chứng và 487 văn phòng công chứng), tăng gấp 4,77 lần so với năm 2007, số công chứng viên tăng từ 353 người (2007) lên 1.505 người (2013).
Đội ngũ công chứng viên hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công chứng của các cá nhân, tổ chức. 100% công chứng viên được bổ nhiệm đều có trình độ cử nhân luật trở lên, 35,7% đã được qua đào tạo nghề công chứng, số còn lại là các đối tượng được bổ nhiệm theo diện miễn đào tạo. Các công chứng viên cơ bản đã đem lại sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch trong các lĩnh vực giao dịch kinh tế, thương mại.
Đặc biệt, số lượng văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa tăng mạnh ở các tỉnh, thành và mở rộng mạng lưới xuống cấp huyện. Các văn phòng công chứng được thành lập theo chủ trương xã hội hóa cũng đã từng bước cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, một số có quy mô khá lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng.
Bà Đỗ Hoàng Yến – Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp cho biết, điều này cũng góp phần giải tỏa sự ùn tắc, quá tải tại các phòng công chứng công, giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu cho địa phương. Và hơn cả, xã hội hóa các hoạt động công chứng đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên, dần từng bước chuyên nghiệp hóa theo xu hướng hội nhập thế giới.
Giai đoạn 2007-2012, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã công chứng cho gần 7 triệu sự việc, với tổng số phí thu được là 2.577 tỷ đồng. Qua đó, thu về 176 tỷ đồng tiền thù lao, nộp thuế và ngân sách nhà nước 977 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thiếu chế tài mạnh để xử lý các hành vi vi phạm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, người yêu cầu công chứng đã dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phần nào còn nhiều hạn chế.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng, phân bố và phát triển rộng khắp các địa bàn dân cư trên toàn quốc, vừa đảm bảo tính an toàn pháp lý, vừa đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. |
Việc phát triển thiếu đồng bộ của các tổ chức hành nghề công chứng giữa các địa phương đã tạo nên sự phân bố không đồng đều, thiếu tính liên kết giữa các tổ chức hành nghề công chứng đã không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch.
Giảm chi phí nhờ thủ tục đơn giản
Cùng với công chứng, công tác chứng thực cũng phát triển, góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp lý, khẳng định chứng thực là hoạt động độc lập thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Các đơn vị đã phân cấp thẩm quyền chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt, chữ ký tới chính quyền cơ sở cấp nhỏ nhất là UBND xã – phường. Qua đó, mở rộng hơn 11.000 đầu mối cơ quan chứng thực. Hiện toàn quốc có gần 16.000 cán bộ Tư pháp – Hộ tịch, trong đó khoảng 40% cán bộ có trình độ đại học luật, gần 50% cán bộ đạt trình độ trung cấp luật.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về chứng thực đã đơn giản đến mới tối thiểu về thủ tục, giấy tờ, giảm bớt thời gian thực hiện, tránh phiền hà cho người dân góp phần giảm chi phí, thời gian đi lại, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu chứng thực.
Từ khi Luật Công chứng có hiệu lực đến nay, các cán bộ Tư pháp – Hộ tịch đã chứng thực khoảng 36,6 triệu bản sao cấp từ sổ gốc; 375,4 triệu bản sao từ văn bản chính; 11,1 triệu chữ ký; qua đó, thu được 1.015 tỷ đồng lệ phí, nộp ngân sách hơn 934 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động công chứng và chứng thực đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tạo thuận lợi hơn cho người dân, các tổ chức; nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhìn nhận, thực tế các hoạt động còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cả khách quan lẫn chủ quan.
Cơ sở pháp lý, thể chế về lĩnh vực này sau hơn 5 năm đi vào thực tiễn đã xuất hiện nhiều điều chưa phù hợp. Việc triển khai các qui định còn chưa thống nhất tại các địa phương. Công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, nhiều bất cập.
Đặc biệt cho đến nay, việc nhận thức của chính xã hội về công tác công chứng và chứng thực còn chưa rõ nét. Một số vấn đề có tính chất giao thoa giữa hai công tác trên vẫn chưa có qui định rõ ràng làm cơ sở pháp lý để xử lý theo pháp luật.
Nhiều đại biểu kiến nghị cần có những sửa đổi thống nhất trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Công chứng nhằm tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; ban hành Luật Chứng thực; qui định chặt chẽ tiêu chuẩn bổ nhiệm của công chứng viên; kiểm tra trình độ của người dịch thuật các văn bản công chứng; qui định rõ nhiều thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan đến chứng thực và hủy bỏ các sai sót trong chứng thực...
Hồng Hạnh