Trách nhiệm pháp lý trong vụ lật ca nô chở 39 người ở Hội An

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
28/02/2022 10:06 AM

Vụ ca nô chở 39 du khách bị lật tại Hội An, khiến 16 người thiệt mạng, 01 người hiện vẫn mất tích là vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng. Xét về góc độ pháp lý, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong trường hợp này?

Trách nhiệm pháp lý trong vụ lật ca nô chở 39 người ở Hội An

Trách nhiệm pháp lý trong vụ lật ca nô chở 39 người ở Hội An (Ảnh minh họa)

1. Trách nhiệm hình sự

Vụ việc lật ca nô chở 39 người là một vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều du khách. Hiện nay, vụ việc vẫn còn đang trong quá trình xác minh làm rõ. Nếu xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án theo các tội danh sau đây:

- Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 272 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017):

Nếu có căn cứ nhận định người lái tàu này có hành vi chủ quan, cẩu thả, không lường trước được các yếu tố khách quan dẫn tới thiệt hại, người này có thể bị khởi tố về tội danh nêu trên. Với tình tiết định khung làm chết từ 3 người trở lên, mức án tối đa sẽ là 15 năm tù.

- Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn (Điều 274 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017):

Trong quá trình xác minh làm rõ, nếu công an xác định được ca nô chở 39 người không đảm bảo điều kiện vận hành theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi 2014) thì có thể bị xử lý theo tội danh đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn. Tình tiết định khung tăng nặng là chết từ 3 người trở lên, người vi phạm có thể chịu mức án tối đa là 15 năm tù.

Ngoài ra, ngoài người lái tàu, những người có liên quan trên ca nô nếu được xác định là không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, hoặc công ty biết người không đủ điều kiện nhưng vẫn điều động tham gia điều khiển phương tiện, có thể bị truy cứu TNHS về các tội danh theo Điều 275 (Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy) hoặc Điều 276 (Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy) của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Trong trường hợp nếu xác định vụ việc xảy ra hoàn toàn do yếu tố bất khả kháng, nằm ngoài tầm kiểm soát, thuyền trưởng ca nô sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Trách nhiệm dân sự

Cano là phương tiện vận tải thủy nội địa theo quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi 2014). Việc sử dụng ca nô phải đáp ứng các điều kiện về phương tiện đủ điều kiện lưu hành và người đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Theo đó, ca nô có thể do một tổ chức sở hữu rồi giao cho nhân viên vận hành. Trường hợp xác định có lỗi trong quá trình vận hành thì khi xảy ra sự cố gây thiệt hại cho người khác, việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự sẽ thuộc về chủ sở hữu phương tiện.

Trong vụ tai nạn trên, Công ty du lịch là chủ phương tiện vận tải cùng thuyền trưởng và những người có liên quan sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy.

Cụ thể, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi dẫn tới thiệt hại hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ, kịp thời, đầy đủ tất cả các khoản về thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần đối với những người bị hại và gia đình người bị hại. Các khoản bồi thường mà Công ty và những người có liên quan phải chi trả có thể bao gồm:

- Chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015):

Đối với những nạn nhân bị thiệt hại về sức khỏe, các khoản chi phí mà người có trách nhiệm phải chịu bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; thiệt hại khác do luật quy định…

- Chi phí bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015):

Đối với những người bị thiệt mạng, người có trách nhiệm sẽ phải bồi thường các khoản chi phí sau:

+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự 2015;

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài các khoản chi phí nêu trên, người chịu trách nhiệm còn phải chịu một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu hoặc người thân thích của những người đã thiệt mạng. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; Trường hợp không thỏa thuận được, số tiền bồi thường tối đa là 74,5 triệu đồng (trường hợp sức khỏe bị xâm phạm) và 149 triệu đồng (trường hợp tính mạng bị xâm phạm).

Ngoài ra, hành khách bị rơi mất điện thoại, ví tiền, các tài sản khác trong vụ tai nạn mà không tìm thấy cũng có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đường thủy này phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật đối với những thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,311

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn