Câu trộm điện nhà hàng xóm trên 2.000.000 đồng có thể bị truy cứu TNHS (ảnh minh họa)
Theo đó, khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP (sửa đổi Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
- Trường hợp trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu TNHS theo quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì:
Chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
(Trước đây, khoản 9 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền hành vi trộm cắp điện dựa trên đơn vị kWh.
Mức phạt tiền tối đa từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh. Trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên sẽ chuyển hồ sơ để truy cứu TNHS.)
Như vậy, từ ngày 31/01/2022, người nào có hành vi câu trộm điện nhà hàng xóm với giá trị sản lượng điện trên 2.000.000 đồng là có thể bị truy cứu TNHS mà không phải thông qua số lượng điện đã trộm cắp.
Nghị định 17/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/01/2022.
Như Mai