Bộ Tài chính trao đổi về việc thu phí sử dụng đường bộ

17/12/2012 16:38 PM

(Chinhphu.vn) – Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện ô tô, xe máy sẽ được thực hiện từ 1/1/2013. Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến như liệu có bỏ các trạm thu phí, việc sử dụng khoản thu này ra sao, liệu có trường hợp phí chồng phí?…

Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 với các mức thu từ 130.000 – 1.040.000 đồng/tháng đối với ô tô và từ 50.000 – 150.000 đồng/năm đối với xe máy.


Phạm vi tác động và đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư này là khá rộng, khoảng 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô.


Trong những ngày qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổng hợp một số băn khoăn, câu hỏi của dư luận nhân dân xung quanh vấn đề này, chuyển đến Bộ Tài chính giải đáp mối quan tâm của người dân như sau:

Thu phí theo đầu phương tiện - Ảnh minh họa


Thu phí theo đầu phương tiện có đảm bảo công bằng?

Có ý kiến cho rằng việc thu phí theo đầu phương tiện là không công bằng, xe chạy ít hay nhiều hoặc thậm chí không chạy vẫn phải đóng phí và có đề nghị thu phí qua xăng dầu.


Theo Bộ Tài chính, các phương án thu phí sử dụng đường bộ đều có ưu nhược điểm nhất định và khó có phương án nào đảm bảo công bằng tuyệt đối.


Trước đây đã thực hiện thu lệ phí giao thông qua giá xăng dầu (theo Nghị định số 186/CPngày 7/12/1994 của Chính phủ về thu phí giao thông qua giá xăng dầu), nhưng do có nhiều bất cập như phải loại trừ xăng dầu dùng cho sản xuất, vận tải đường không, vận tải đường thuỷ,... Năm 2001, đã chuyển đổi sang phương thức thu phí qua trạm, tuy nhiên, theo phương thức này thì chỉ có xe qua trạm thu phí mới phải nộp phí nên cũng chưa đảm bảo công bằng.


Từ ưu, nhược điểm của các phương án nêu trên, tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CPđã quy định thu phí theo đầu phương tiện, vì vậy, những quy định về phương thức thu phí của Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2012/NĐ-CP.


Đối với một số trường hợp xe không sử dụng được, Thông tư cũng đã có quy định xe không chịu phí như: xe bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu hoặc bị tai nạn phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên, đồng thời, có quy định miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo, xe cứu thương, cứu hoả,...


Tự khai khó kiểm soát

Có ý kiến đề nghị xe không hoạt động vì bất kỳ lý do nào cũng không phải nộp phí, doanh nghiệp (DN) hoặc chủ phương tiện tự khai. Trường hợp xe không đi đăng kiểm phải được hiểu là tạm dừng hoạt động mà không phải đóng phí vì nếu không kiểm định mà lưu hành thì đã bị xử phạt hành chính về lỗi không kiểm định và lỗi không nộp phí.


Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, nếu cho phép DN tự khai xe không hoạt động thì không thể kiểm soát được, cơ quan thu phí không thể kiểm tra việc khai đúng, khai sai, dễ phát sinh tiêu cực trong thực hiện.


Quy định hiện hành không bắt buộc chủ xe phải đăng kiểm đúng thời hạn, xe cũng không bị phạt khi đăng kiểm chậm, xe không đăng kiểm vẫn lưu hành chỉ khi bị công an phát hiện thì mới bị xử phạt.


Lực lượng công an chỉ tuần tra kiểm soát giao thông trên một số tuyến đường chính, không thể giám sát toàn bộ các tuyến đường cũng như kiểm soát tất cả các loại phương tiện đã thực hiện đăng kiểm hay không.


Do đó, Thông tư 197 quy định xe ô tô không chịu phí trong các trường hợp sau: Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu; bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.


Xã, phường tổ chức kê khai và thống kê lượng phương tiện hiện có


Về ý kiến cho rằng sẽ có nhiều khó khăn trong việc triển khai thu phí đối với xe máy và phụ thuộc vào sự tự giác của người dân, Bộ Tài chính cho rằng đúng là việc triển khai thu phí đối với xe máy năm đầu tuy có khó khăn nhất định do xã, phương chưa có số liệu thống về số lượng xe máy có trên địa bàn.


Tuy nhiên, phường, xã có thể tổ chức cho tổ dân phố, thôn, xóm triển khai hướng dẫn các hộ trên địa bàn thực hiện việc kê khai tương tự như kinh nghiệm đã có trong thực hiện một số khoản thu đã giao tổ dân phố, thôn xóm tổ chức hướng dẫn kê khai, thu nộp (như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).


Trên cơ sở số liệu kê khai, xã, phường có thể thống kê lượng phương tiện hiện có để làm căn cứ thu phí và làm cơ sở cho việc thực hiện các năm sau mà không cần phải yêu cầu các hộ phải kê khai lại mà chỉ phải khai biến động tăng, giảm phương tiện.

Thu phí cho mục đích bảo trì đường bộ - Ảnh minh họa


Thu phí cho mục đích bảo trì đường bộ


Trước băn khoăn tiền phí sẽ được sử dụng như thế nào để đảm bảo sử dụng đúng mục đích cho bảo trì, sửa chữa đường bộ được tốt hơn, tránh sử dụng sai mục đích, Bộ Tài chính cho biết: Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về thanh, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ.


Theo đó, tiền phí thu được nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ và việc quản lý, sử dụng Quỹ sẽ được quản lý bảo đảm chặt chẽ như đối với kinh phí ngân sách trong cả 3 khâu: Trong khâu lập kế hoạch thu chi, trong sử dụng (vẫn thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước như đối với chi ngân sách Nhà nước) và trong quyết toán.


Sẽ bãi bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước


Về băn khoăn khác của người dân là việc thu phí theo đầu phương tiện mà vẫn giữ các trạm BOT để thu phí hoàn vốn thì có sự trùng lắp không, Bộ Tài chính cho biết, về vấn đề bỏ trạm thu phí nộp NSNN: Theo Đề án của Bộ Giao thông vận tải khi xây dựng Nghị định 18/2012/NĐ-CP thì khi thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước; đối với các trạm đã chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT thì đến khi hoàn vốn đầu tư sẽ xoá bỏ.


Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án xoá bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước để xoá bỏ ngay khi thu phí theo đầu phương tiện.


Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện chỉ sử dụng cho mục đích bảo trì đường bộ đối với đường thuộc NSNN đầu tư, không sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng mới hoặc bảo trì đường BOT.


Còn đối với các dự án BOT, doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư xây dựng các đoạn đường mới tốt hơn, chủ phương tiện được sử dụng đường tốt hơn nên việc giữ Trạm BOT để thu phí hoàn vốn đầu tư xây dựng là cần thiết và không trùng lắp.


Có ý kiến cho rằng chủ phương tiện đồng tình với việc thu phí. Nhưng băn khoăn về việc nộp phí nhưng không được sử dụng đường tốt tương xứng với khoản tiền phí đã nộp.


Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến: Chất lượng hệ thống giao thông đường bộ nước ta hiện nay còn hạn chế và đòi hỏi nguồn kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng rất lớn, trong khi nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, số còn lại phải bảo đảm từ nguồn thu phí.


Vì vậy, nguồn thu phí đóng vai trò quan trọng cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ, kịp thời sửa chữa những đoạn đường bị xuống cấp, đảm bảo an toàn giao thông. Việc nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đòi hỏi không chỉ nguồn lực tài chính mà cần có thời gian và việc thu phí, quản lý, sử dụng có hiệu quả tiền phí sử dụng đường bộ cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh quá trình nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ nêu trên.

Thúy An - Thanh Quang

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,321

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn