Sắp có Nghị quyết hướng dẫn BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
06/08/2021 15:01 PM

Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo đó, dự thảo đề xuất nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự như sau:

Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tòa án phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự; phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:

- Để xác định thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản tương xứng;

- Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự;

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây: Không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại; thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình, là người phải bồi thường chỉ có khả năng bồi thường tối đa 1/2 thiệt hại tính bằng tiền;

- Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại...

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại là trường hợp người bị thiệt hại có lỗi một phần trong việc gây thiệt hại cho chính mình thì không được bồi thường đối với phần lỗi của mình gây ra

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường phần thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình, có nghĩa là trường hợp người bị thiệt hại có thể biết, nhìn thấy trước và có đủ điều kiện để ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra.

Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Dự thảo Nghị quyết

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,651

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn