Ủng hộ các sửa đổi tích cực mang tính “khoan thư sức dân” trong dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN, song vẫn có ý kiến lo lắng cho nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN. Với mức giảm trừ gia cảnh dự kiến điều chỉnh như trên thì số thuế năm 2013 giảm so với hiện hành khoảng 5.200 tỉ đồng, năm 2014 giảm khoảng 13.350 tỉ đồng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giảm 70% số người phải nộp thuế TNCN theo dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN cũng chỉ giảm 10% số tiền thuế TNCN nộp vào ngân sách còn đến 90% tổng thu từ thuế TNCN lại thuộc về tiền thuế từ bậc 2 trở lên.
Quyết định điều chỉnh thuế TNCN được đưa ra sau khi cơ quan soạn thảo cân nhắc nhiều yếu tố như tốc độ tăng GDP (dự kiến 6,5-7% trong giai đoạn 2011-2015), GDP bình quân đầu người (ước tính khoảng 44 triệu đồng vào năm 2014), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua cũng như giai đoạn tới, đề án cải cách tiền lương (dự kiến tăng lên 1,8 triệu đồng vào năm 2015) cũng như thống kê mức sống, thu nhập dân cư. Ngoài ra, việc điều chỉnh cũng dựa trên việc tiếp thu ý kiến của dư luận, khi cho rằng mức giảm trừ 6 triệu và 2,4 triệu đồng trước đó là chưa phù hợp.
Nhưng theo quan điểm của nhiều người dân và các chuyên gia về thuế, phương án sửa đổi Luật Thuế TNCN sẽ trình Quốc hội với mức TNCN phải chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh tiếp tục được thiết kế bằng các qui định "đóng khung" sẽ khó thoát được nguy cơ sớm phải sửa trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều biến động không ngừng như hiện nay.
Quốc hội từng phải ban hành những nghị quyết miễn thuế TNCN trong 6 tháng (năm 2009), miễn giảm thuế cho một số đối tượng (năm 2011) do mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN hiện hành không phù hợp với thực tế.
Khi lạm phát và giá cả tăng quá cao so với thu nhập khiến người lao động làm công ăn lương khốn đốn, chống chọi với “bão giá” bằng số tiền lương, tiền công “chỉ đảm bảo 35% nhu cầu của cuộc sống” mà vẫn phải è cổ đóng thuế TNCN. Do vậy, có ý kiến đề nghị dùng mức lương cơ bản để tính thuế TNCN, tránh việc luật phải sửa đi sửa lại mỗi lần thị trường có biến động.
Bên cạnh đó, nhiều người đã chỉ ra những biểu hiện của việc “giơ cao đánh khẽ” trong dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN. Theo đó, thuế suất thấp nhất (với người có thu nhập chịu thuế dưới 5 triệu đồng) là 5% và cao nhất (thu nhập trên 80 triệu) là 35%. Trong khi đó, theo phương án trước đây, biểu thuế được rút xuống còn 6 bậc, trong đó bỏ bậc thuế cao nhất (trên 80 triệu). Người có thu nhập trên 52 triệu đồng một tháng sẽ cùng chịu thuế suất 30%.
Khoảng cách giữa các mức thu nhập chịu thuế và thuế suất quá gần nên chỉ cần hơn nhau có vài trăm nghìn thì mức thuế suất đã tăng lên gấp đôi. Đấy là chưa kể việc qui định giảm trừ gia cảnh “đánh đồng” cho tất cả mọi người, không phân biệt địa bàn cư trú là nông thôn, thành thị, miền núi, hải đảo… khiến việc nộp thuế TNCN không phù hợp, đặc biệt đối với người nộp thuế sinh sống ở các TP lớn nơi chi phí luôn đắt đỏ và nhu cầu cuộc sống cao hơn các vùng khác.
Song ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế lại lo ngại dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN sẽ không khuyến khích người dân làm giàu hay khai báo trung thực thu nhập chịu thuế bởi dự thảo mới quan tâm đến những người chịu thuế ở bậc 1 mà bỏ qua những quyền lợi của những người có thu nhập cao. Giãn khoảng cách các bậc thuế là một giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra nhằm đảm bảo tính công bằng trong thuế TNCN và thu hút được nhiều người tham gia thị trường lao động trong nước khi mức thuế TNCN hợp lý.
Trong số các đối tượng có thu nhập trong xã hội, người làm công ăn lương chỉ chiếm 1 bộ phận rất nhỏ và mức thu nhập cũng rất thấp so với khối tư nhân, tự do. Về nguyên tắc, thuế TNCN phải được áp dụng cho tất cả những người có thu nhập, song dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN lần này vẫn chưa “túm” được những đối tượng ăn lương “ngoài sổ sách”, là lỗ hổng về thu ngân sách nhà nước và không đảm bảo mục đích phân phối thu nhập và công bằng xã hội trong việc nộp thuế TNCN…
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, qua 3 năm thực hiện, tính đến hết năm 2011, cả nước đã có trên 15 triệu cá nhân được cấp mã số thuế (12,6 triệu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ thu nhập khác; 3,2 triệu cá nhân có thu nhập từ kinh doanh). Ngoài ra, số thu thuế TNCN cũng có sự tăng trưởng theo từng năm, đặc biệt là năm 2011, số thu ước bằng 141,38% so với số thu năm 2010, đạt 7,1% số thu nội địa (khoảng 5,5% tổng thu ngân sách Nhà nước).
Mọi chuyện còn chờ đến tháng 10 khi Quốc hội xem xét dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN. Cho đến lúc đó, một đạo luật thuế đảm bảo công bằng, giảm bớt gánh nặng cho người dân vẫn sẽ là chủ đề của những băn khoăn và mong mỏi của xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai:
Thu nhập 12,6 triệu đồng/tháng mà nuôi một người phụ thuộc thì chưa phải nộp thuế
- Chính phủ đã đồng ý thông qua dự án sửa đổi Luật thuế TNCN và
sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay. Nếu được Quốc hội thông qua, từ
ngày 1/7/2013, so với thời điểm cuối năm 2011, khoảng 70% số người có
thu nhập từ lương, tiền công đang phải nộp thuế TNCN sẽ không phải nộp
thuế TNCN.
Nghĩa là khoảng 2,6 triệu người trong tổng số 3,8 triệu người đang
thuộc diện nộp thuế sẽ không phải nộp thuế TNCN, chỉ còn 1,2 triệu
người phải nộp thuế này. Ước tính 70% trường hợp nộp thuế bậc 2 sẽ
chuyển sang bậc 1. Cứ như vậy, những bậc trên sẽ chuyển xuống bậc thấp
hơn.
Với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế được nâng lên 9 triệu
đồng thay cho mức 4 triệu đồng như hiện nay. Đồng thời mức giảm trừ gia
cảnh cho người phụ thuộc cũng được nâng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu
đồng thì người có thu nhập 12,6 triệu đồng/tháng mà nuôi một người phụ
thuộc thì chưa phải nộp thuế.
Nếu người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng mà nuôi một người phụ
thuộc thì cũng chỉ nộp 120.000 đồng. Tương ứng đối với trường hợp có 2
người phụ thuộc là 16,2 triệu đồng. Đối với những người có thu nhập 20
triệu đồng/tháng, có một hoặc 2 người phụ thuộc, thì thuế phải nộp lần
lượt là 490.000 đồng và 190.000 đồng, bằng 2,45% và 0,95% thu nhập chịu
thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh này còn trên nhiều căn cứ như tốc độ tăng
GDP, mức GDP bình quân đầu người, chỉ số lạm phát, tiền lương tối thiểu,
kết quả thống kê mức sống, thu nhập dân cư... Trường hợp khi giá cả
biến động trên 20%, Chính phủ sẽ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ
gia cảnh cho phù hợp với tình hình thị trường.
Việc bổ sung quy định “mở” như vậy, cũng theo cơ quan soạn thảo,
có ưu điểm là phù hợp với biến động về chỉ số giá (CPI) và tốc độ tặng
GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo.
Mức giảm trừ này cũng tương đương 2,5 lần GDP bình quân đầu người
năm 2014, bảo đảm tỉ lệ tương quan như khi luật có hiệu lực năm 2009.
Mức này cũng đảm bảo cao hơn thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm
năm 2014 và các năm sau, đạt mục tiêu động viên các đối tượng khó khăn
trong điều kiện vật giá tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế:
Cần điều tiết hài hòa hơn giữa mức thu nhập chịu thuế hợp lý và giãn bậc thuế suất
- Hiện nay theo thống kê thì 70% số người nộp thuế ở bậc 1 tuy
nhiên số tiền thuế thu nhập cá nhân chiếm trong tổng số thu ở thuế thu
nhập cá nhân chỉ có 10%. 30% còn lại nộp thuế từ bậc 2 trở lên nhưng
thuế thu nhập cá nhân từ đối tượng này lại chiếm 90% tổng số thu về thuế
thu nhập cá nhân và theo dự toán năm nay tổng thuế thu nhập cá nhân của
chúng ta cũng không phải là nhỏ, vào khoảng 46.000 tỷ.
Đóng góp về thuế TNCN của đối tượng này rất là lớn. Vậy chúng ta
kết hợp điều chỉnh vừa giảm mức thu nhập chịu thuế hợp lý vừa kết hợp
với giãn bậc thì lúc đó sẽ có điều tiết hài hòa hơn.
Hải Nhật