Nội dung kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán nhà nước từ ngày 30/11/2020

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thùy Liên
23/10/2020 15:38 PM

Ngày 16/10/2020, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

KTNN

Kiểm toán nhà nước (Ảnh minh hoạ).

Trong đó, trên cơ sở khảo sát, thu thập và đánh giá thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, thông tin về tài chính và các thông tin khác về đơn vị được kiểm toán, kế hoạch kiểm toán tổng quát được lập có nội dung kiểm toán như sau:

- Nội dung kiểm toán được xác định căn cứ vào hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu, nội dung kiểm toán chủ yếu hàng năm của Kiểm toán nhà nước, mục tiêu của cuộc kiểm toán; đặc điểm và tình hình thực tế của đơn vị được kiểm toán (hoặc vấn đề được kiểm toán). Tùy theo tính chất của từng cuộc kiểm toán, nội dung kiểm toán được xác định theo quy định tại Điều 32 Luật Kiểm toán nhà nước, cụ thể như sau:

+ Kiểm toán tài chính: Đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của đơn vị được kiểm toán (Nội dung kiểm toán chi tiết các thông tin tài chính, các chỉ tiêu cụ thể của báo cáo tài chính cần được kiểm toán xác định trong kế hoạch kiểm toán tùy thuộc vào chế độ báo cáo thuộc lĩnh vực hoạt động của đơn vị được kiểm toán, mục tiêu của cuộc kiểm toán).

+ Kiểm toán tuân thủ: Đánh giá, xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện (Nội dung kiểm toán chi tiết tùy thuộc vào mục tiêu của từng cuộc kiểm toán và các văn bản pháp luật, các quy định nội bộ đơn vị phải thực hiện).

+ Kiểm toán hoạt động: Đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công (Nội dung kiểm toán chi tiết tùy thuộc vào mục tiêu của từng cuộc kiểm toán và vấn đề được kiểm toán; việc đánh giá có thể là một, hai, hoặc cả ba nội dung tùy theo yêu cầu của cuộc kiểm toán).

- Căn cứ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán.

- Nội dung kiểm toán cụ thể được xác định căn cứ vào yêu cầu và tính chất của cuộc kiểm toán, tình hình thực tế của đơn vị được kiểm toán và được phân chia thành:

+ Nội dung, khoản mục, chỉ tiêu, nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh kiểm toán trọng yếu;

+ Nội dung, khoản mục, chỉ tiêu, nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh khác.

- Khi xác định khoản mục, chỉ tiêu, nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh kiểm toán trọng yếu, Kiểm toán viên nhà nước cần chú ý:

+ Các vấn đề, nội dung, khoản mục, chỉ tiêu, nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh có thể có những sai sót ảnh hưởng đáng kể như: Quy mô lớn, rủi ro có sai sót trọng yếu, là trọng yếu của Ngành, các chỉ tiêu có biến động bất thường, hay có phát hiện sai sót.

+ Về định lượng là các khoản mục, chỉ tiêu lớn hơn mức trọng yếu tổng thể báo cáo tài chính. Trường hợp các khoản mục, chỉ tiêu lớn hơn mức trọng yếu tổng thể báo cáo tài chính mà xác định là khoản mục, chỉ tiêu không trọng yếu thì phải có bằng chứng chắc chắn không còn sai sót trọng yếu trong khoản mục, chỉ tiêu đó.

Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2020 và thay thế Quyết định 08/2016/QĐ-KTNN ngày 23/12/2016 ban hành Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,399

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn