Hình thức, nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nhiệp viên chức

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thùy Liên
30/09/2020 13:45 PM

Thi thăng hạn chức danh nghề nghiệp viên chức được quy định chi tiết tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Viên chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (Ảnh minh hoạ).

Theo đó, viên chức thi thăng hạn chức danh nghề nghiệp với 04 môn thi gồm kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành với hình thức và nội dung như sau:

(1) Môn kiến thức chung

- Hình thức, thời gian thi: Thi trắc nghiệm (60 phút);

- Nội dung thi: 60 câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về ngành, lĩnh vực sự nghiệp, pháp luật về viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi;

(2) Môn ngoại ngữ

- Hình thức, thời gian thi: Thi trắc nghiệm (30 phút);

- Nội dung thi: 30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định;

**Miễn thi môn ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

+ Viên chức tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác;

+ Viên chức có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số;

+ Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi;

+ Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học hoặc có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

(3) Môn tin học

- Hình thức, thời gian thi: Thi trắc nghiệm (30 phút);

- Nội dung thi: 30 câu hỏi theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi;

**Miễn thi môn tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.

Trường hợp cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính thì không phải thi môn tin học và phải thông báo điểm thi cho viên chức dự thi được biết ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài thi trên máy vi tính. Không phúc khảo kết quả thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

(4) Môn nghiệp vụ chuyên ngành

- Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I: Thi viết đề án (08 tiếng) và thi bảo vệ đề án (tối đa 30 phút) theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi. Thi viết đề án và thi bảo vệ đề án được chấm với thang điểm 100 cho mỗi bài thi;

- Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II: Thi viết (180 phút) theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi, thang điểm 100;

- Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III và hạng IV: Thi viết (120 phút) theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi, thang điểm 100.

(Theo Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP).

Người trúng tuyển kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có kết quả thi như sau:

- Có số câu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng môn thi quy định tại mục (1), (2) và (3) nêu trên, trừ trường hợp miễn thi.

- Có tổng kết quả điểm bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành đạt từ 50 điểm trở lên, trường hợp thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I thì phải đạt từ 100 điểm trở lên (trong đó điểm bài thi viết đề án và bài thi bảo vệ đề án phải đạt từ 50 điểm trở lên) và lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao.

Lưu ý:

- Thứ tự ưu tiên trong xác định người trúng tuyển khi có từ 02 người trở lên có tổng kết quả điểm bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau ở chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp cuối cùng: viên chức là nữ; viên chức là người dân tộc thiểu số; viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh); viên chức có thời gian công tác nhiều hơn.

- Trường hợp không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức và quyết định người trúng tuyển theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.

(Theo Khoản 1, 2, 3 Điều 40 Nghị định 115/2020/NĐ-CP).

Thuỳ Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,375

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn