Ông Đỗ Văn Đương chỉ ra có những đối tượng rất cần được giáo dục pháp luật, đó là các quan chức ở các cơ quan chủ chốt, thường là các lĩnh vực nhạy cảm. Họ cần được phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, tham nhũng, tài nguyên khoáng sản, sử dụng vốn nhà nước…
“Có địa phương ở nước láng giềng đã tổ chức cho các quan chức học về tác hại của tham nhũng”, ông Đương nói. “Sau buổi học đã có nhiều quan chức tự động đem nộp tài sản do tham nhũng mà có”.
Qua đó, ông Đương đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một số đối tượng đặc thù là các công chức, viên chức, cán bộ công tác ở những lĩnh vực nhạy cảm, thường xảy ra tham nhũng, lãng phí phải học tập luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm.
ĐB Đỗ Văn Đương: Quan chức ở các lĩnh vực nhạy cảm cần được giáo dục pháp luật. Ảnh: Quang Khánh |
Góp ý cho dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật chiều 29/5, ông Đương cũng lưu ý các cơ quan tư pháp, không chỉ cần đối ngoại - giáo dục pháp luật cho dân, mà cũng cần đối nội - giáo dục chính cán bộ của mình ý thức đừng để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, ra những bản án, quy định trái pháp luật…
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng nhấn mạnh đến vai trò gương mẫu của người đứng đầu, công chức nhà nước trong thực hiện pháp luật. “Họ nói phải đi đôi với làm, vì không hành động để bảo vệ pháp luật, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ thì cũng sai như làm trái pháp luật”, bà Khánh nói.
Chia sẻ nhận định không chỉ cần giáo dục kiến thức mà cả ý thức pháp luật, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (ĐB Hà Nội) chỉ ra “không phải cứ người có kiến thức pháp luật là không vi phạm, làm trái luật”.
“Trong cuộc sống hàng ngày, không ít những người buông xuôi, chấp nhận làm sai để được việc”, Hòa thượng lấy ví dụ những người vi phạm luật giao thông hay hối lộ khi đến các cơ quan công quyền…
Vì vậy, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng ngoài kiến thức pháp luật, dự thảo luật cần nhấn mạnh việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cũng như tinh thần đấu tranh với cái sai.
Ưu tiên giáo dục những luật đang vướng mắc
Các ĐB đồng tình với việc xác định các đối tượng đặc thù để có biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, song cho rằng dự thảo luật liệt kê nhiều mà vẫn thiếu.
Theo dự thảo, những người hạn chế về khả năng tiếp cận và tìm hiểu pháp luật, cần được hỗ trợ gồm người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân, người lao động trong các doanh nghiệp, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị kết án nhưng được hưởng án treo…
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nhận định trong đó không phải đều là những người có nhu cầu học tập pháp luật nhiều hơn người khác. “Ví dụ nạn nhân bạo lực gia đình, những người đã phạm tội…, để tránh được những trường hợp như thế thì cả xã hội phải học luật chứ không riêng ai”, ông Châu nói.
ĐB Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) thì nhấn mạnh ưu tiên phổ biến những văn bản pháp luật mà trên thực tế thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc khó khăn, người dân rất quan tâm và muốn biết, muốn hiểu để làm đúng.
Chung Hoàng