Hướng dẫn thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul

13/06/2020 11:14 AM

Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Nghị định này hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thủ tục cấp và hoàn trả sổ tạm quản, bảo đảm thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa (Công ước Istanbul).

Nghị định này không áp dụng đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, hàng hóa quá cảnh.

Nghị định quy định rõ các hàng hóa được tạm quản gồm: 1- Hàng hóa để trưng bày tại sự kiện quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định này; 2- Hàng hóa sử dụng tại sự kiện bao gồm: Hàng hóa cần thiết cho mục đích giới thiệu máy móc nước ngoài hoặc thiết bị trưng bày, vật liệu xây dựng và trang trí, kể cả thiết bị điện cho gian hàng, quầy hàng; vật liệu quảng cáo và trưng bày để giới thiệu hàng hóa; 3- Trang thiết bị bao gồm thiết bị phiên dịch, thiết bị ghi âm thanh và hình ảnh, phim mang tính giáo dục, khoa học và văn hóa sử dụng tại sự kiện.

Hàng hóa tạm quản theo quy định tại Nghị định này trong thời gian tham gia các sự kiện không được sử dụng cho mục đích khác. Khi kết thúc sự kiện, hàng hóa tạm quản phải được tái xuất, tái nhập hoặc thực hiện các thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, thay đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa tạm quản chỉ được phép sử dụng tại các sự kiện ở Việt Nam sau khi hoàn thành thủ tục tạm nhập theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Điều kiện áp dụng tạm quản

Nghị định quy định điều kiện áp dụng tạm quản gồm: 1- Hàng hóa tạm quản phải tuân thủ các chính sách về quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập của pháp luật; 2- Hàng hóa tạm quản phải phù hợp với mục đích tổ chức, tham gia sự kiện quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định này và được nhận diện bằng số seri hoặc đặc điểm, dấu hiệu nhận diện riêng; 3- Người khai hải quan sử dụng sổ ATA (sổ tạm quản) còn hiệu lực theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và được cấp bởi cơ quan cấp sổ ATA để thực hiện thủ tục hải quan.

Về thời hạn tạm quản, Nghị định quy định, thời hạn tạm nhập tái xuất hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm nhập và trong thời gian sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).

Thời hạn tạm xuất tái nhập hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm xuất và trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).

Trường hợp hàng hóa không thể tái xuất ra khỏi quốc gia hàng đến trước khi hết thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này, người khai hải quan thực hiện cấp sổ ATA thay thế theo quy định tại Điều 9 Nghị định này để gia hạn thời hạn tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm xuất.

Trường hợp hàng hóa không thể tái xuất đúng thời hạn quy định ở trên do bị tạm giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thì trong thời hạn tạm giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chủ sổ không bị xử lý vi phạm về hành vi quá thời hạn tạm nhập nhưng không tái xuất.

Vũ Phương Nhi

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,575

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn