Ông Tiến cho hay: Bộ Y tế luôn chỉ đạo sát sao tất cả các sự cố xảy ra trong ngành, khi có vụ việc gì thì địa phương phải báo cáo trước bằng điện thoại rồi gửi công văn lên sau. Sau đó những chuyên gia về lĩnh vực đó sẽ xem xét.
“Đối với 3 trường hợp sản phụ tử vong vừa qua, điều quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân tử vong và xem những nguyên nhân đó có khả năng phòng tránh được không, phòng tránh bằng cách nào”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng khẳng định có những trường hợp như trường hợp ở Hưng Yên mà bị tắc mạch ối thì ngay ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng chỉ cứu được một số bệnh nhân, chứ không thể cứu tất được mặc dù các phương tiện hết sức đầy đủ.
Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc (Bắc Ninh) – nơi xảy ra cái chết của 1 trong 3 sản phụ đã bị người nhà của sản phụ gây náo loạn vì quá đau lòng trước cái chết của người thân (Ảnh: VietNamNet) |
Mặt khác, ông Tiến cho rằng trong nhiều trường hợp nếu biết được trước các
bệnh lý của sản phụ (như tim mạch, huyết áp) thì có thể không dẫn đến tử
vong.
“Theo tôi biết thì bệnh nhân trong Quảng Ngãi có tiền sử bệnh tim. Những bệnh lý về tim mạch, huyết áp nếu được biết trước sẽ có cách xử lý khác. Còn đối với các bệnh viện ở các tuyến mà chưa được cao về chuyên môn kỹ thuật thì nhiều khi có biết cũng không giải quyết được vấn đề.
Vì vậy, cần xem xét khám chữa, tổ chức, chuyển bệnh nhân thế nào cho hợp lý thì sẽ giảm thiểu được tử vong”, ông Tiến cho hay.
Việc 3 sản phụ ở 3 địa phương (Quảng Ngãi, Hưng Yên, Bắc Ninh) liên tiếp tử vong trong 3 ngày gây nên nỗi bức xúc lớn cho gia đình nạn nhân và sự hoang mang cho người bệnh, ông Tiến cho rằng việc 3 sản phụ cùng có sự cố trong cùng một khoảng thời gian là sự trùng lặp ngẫu nhiên, thậm chí ở bệnh viện phụ sản lớn có thể trong một ngày tử vong đến hai sản phụ, nhất là ở những bệnh viện lớn mỗi năm có đến vài chục ngàn ca đẻ.
Đồng tình với quan điểm của ông Tiến là trong chuyện sinh đẻ có thể xảy ra nhiều sự cố (mà những sự cố đó chính là xuất phát từ bệnh tật, bệnh lý của sản phụ) nhưng liệu để sản phụ đẻ thường một thai nhi nặng 4kg, dẫn tới cái chết tức tưởi của hai mẹ con thì lỗi thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi này, ông Tiến nói: “Trong sản khoa, điều quan trọng nhất là phải tiên lượng đúng. Đó là các tiên lượng về khả năng chuyển dạ, khả năng đẻ của người mẹ, trọng lượng thai nhi, vv… Tất nhiên có không ít trường hợp thai nhi nặng trên 4kg nhưng vẫn đẻ thường được nhưng trường hợp đó phải có sự phù hợp giữ thai nhi và cơ thể người mẹ”.
Vì thế, theo ông Tiến, mỗi cuộc đẻ đều phải được theo hết sức chặt chẽ, sát sao, đến một thời điểm nào đó mà thấy rằng cuộc đẻ thường không thể diễn biến thuận lợi được thì phải chỉ định mổ lấy thai kịp thời.
“Nhiều khi một cuộc chuyển dạ của người đẻ như đi thi, không tự đẻ được thì phải nhờ đến sự can thiệp của bác sỹ. Trong sản khoa, có nhiều tai biến xảy ra đột ngột, bất ngờ, lúc gần thành công rồi thì lại có sự cố.
Với sản khoa, không ai nói tài nói giỏi trước được, nhiều khi cũng cần một tí may mắn nữa”, ông Tiến bày tỏ.
Còn ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết hiện Bộ Y tế chỉ có thể yêu cầu các cơ sở xảy ra sự cố gửi báo cáo.
Theo đúng trình tự thì phải có biên bản đánh giá chính xác, đầy đủ của Hội đồng khoa học tại các cơ sở đó đánh giá gửi lên, nếu chưa thỏa đáng đối với người bệnh, với người không may gây ra sai sót đó và với các cơ sở y tế đó thì Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn thanh tra cũng như Hội đồng chuyên môn gồm các GS đầu ngành để xác định được chính xác nguyên nhân khiến các sản phụ tử vong.
Khi được hỏi liệu những sự cố này (đều xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh) có làm người bệnh thêm mất lòng tin ở tuyến dưới và làm ảnh hưởng đến nỗ lực giảm tải bệnh viện tuyến Trung ương của Bộ Y tế hay không, ông Khuê nói: “Tôi không nghĩ như thế”.
Theo Vietnamnet