Tiên lượng sai tình trạng bệnh nhân?
Theo đó, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh
Hưng Yên, Quảng Ngãi, Bắc Ninh gửi báo cáo về vụ việc. Trong trường hợp có báo
cáo mà địa phương không thể đưa ra kết luận và xử lý thỏa đáng thì Bộ Y tế sẽ
vào cuộc, lập hội đồng chuyên môn để thẩm định và đưa ra kết luận.
Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cũng đã điện yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế 3 tỉnh gửi báo cáo sớm nhất.
BVĐK Kinh Bắc (Bắc Ninh) đã đình chỉ công việc của kíp trực liên quan đến cái chết của sản phụ Loan (Ảnh: VietNamNet) |
Việc 3 sản phụ tử vong liên tiếp sau khi sinh tại bệnh viện đa khoa tỉnh trong 2 ngày 20-21/4 đã làm dấy lên lo ngại của các bệnh nhân về trình độ và khả năng xử lý chuyên môn của các y, bác sỹ.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM chia sẻ: “Tôi vô cùng thông cảm và xin chia sẻ với gia đình những sản phụ kém may mắn. Tuy nhiên, nếu người nhà sản phụ đau một thì tôi nghĩ các y bác sĩ trực tiếp trong ca sinh nở kia đau mười. Giả dụ là tôi, tôi sẽ ám ảnh suốt đời.”
Bác sỹ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (từng công tác tại
BV phụ sản Hà Nội, hiện đang làm việc tại Trung tâm y khoa Thái Hà) cho biết, vì
không trực tiếp theo dõi diễn biến bệnh nhân (mà chỉ biết qua đọc báo chí) nên
bà không đưa ra được nhận định cụ thể..
Tuy nhiên, đối với trường hợp ở BVĐK Kinh Bắc (sản phụ Loan, 34 tuổi), bác sỹ
Dung cho biết, sản phụ này bị tắc mạch ối là một trong những tai biến sản khoa
hy hữu và tỷ lệ thành công của những ca sinh này là rất thấp.
Còn đối với trường hợp sản phụ Hạnh ở Hưng Yên, theo bác sỹ Dung nhận định thì
có thể các bác sỹ đã tiên lượng không đúng về tình hình bệnh nhân, bởi cháu bé
nặng 4kg là quá to, ngay cả khi khám cũng đã phải nghĩ đến khả năng mổ đẻ nhiều
hơn là đẻ thường.
Nhưng có thể do bác sỹ nghĩ rằng bệnh nhân đã đẻ thường đến 2 lần nên không chú
ý, dẫn đến tình trạng bệnh nhân chuyển dạ quá lâu, thai nhi bị ngạt, sản phụ có
nguy cơ vỡ tử cung, kiệt sức, mất máu quá nhiều, không cấp cứu kịp thời cũng dẫn
đến tử vong.
Ranh giới nào là an toàn?
Trao đổi với VietNamNet về những tai biến trong sản khoa, một cán bộ thanh tra
thuộc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hàng năm có nhiều đơn thư gửi về nhưng trong đó
chiếm áp đảo vẫn là những đơn thư yêu cầu giải quyết khiếu nại, thắc mắc liên
quan đến các hậu quả của tai biến sản khoa. Theo vị này, sản khoa là lĩnh vực
“không ai nói giỏi trước được” bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể xảy ra rất
bất ngờ.
Khi vượt cạn ai cũng mong muốn được mẹ tròn con vuông. (Ảnh: Thanh Huyền). |
Bác sĩ Trần Ngọc Hải cũng cho hay, trong y tế, ngành
sản là chết nhiều nhất. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Anh tỷ lệ sản phụ
chết là 4/100.000 người. Ở Việt Nam, đầu thập niên 80, số phụ nữ qua đời trong
lúc vượt cạn lên tới 250/100.000 ca. Còn hiện nay, con số tử vong vẫn còn ở mức
75/100.000 ca.
Theo bác sĩ Hải, trong một ca sinh thường hay sinh mổ không ai có thể nói trước
sẽ chắc chắn thành công. Vẫn có thể có những điều xảy ra ngoài ý muốn mà bác sĩ
không thể tiên lượng trước được.
Bác sỹ Lê Thị Kim Dung đánh giá: Người bệnh cũng cần chia sẻ với người thầy thuốc làm trong lĩnh vực sản khoa vì họ luôn trong trạng thái căng thẳng, vất vả, tai biến tiềm ẩn rất nhiều.
Theo bác sỹ Dung, cả 3 trường hợp tử vong vừa qua đều được gia đình yêu cầu cho mổ trước đó nhưng bác sỹ không cho mổ. Quyết định này không mang lại lợi lộc gì cho bác sỹ bởi họ luôn muốn những điều tốt nhất cho người bệnh và “hậu quả xảy ra là điều không bác sỹ nào mong muốn”.
Tuy nhiên, bà Dung cũng cho rằng bác sỹ dù muốn điều
tốt cho bệnh nhân nhưng cần phải có sự nhạy cảm nghề nghiệp nhất định để biết
được đâu là ranh giới của sự an toàn.
“Nếu làm cách có lợi nhất cho bệnh nhân (là cho bệnh nhân đẻ thường) mà không
đạt được sự an toàn cần thiết thì cần phải thay đổi phương pháp can thiệp (chủ
động cho đẻ mổ). Nhưng nhiều bác sỹ cũng chưa có sự nhạy cảm nghề nghiệp để đưa
ra quyết định đúng lúc, nhất là bác sỹ ở các địa phương, khiến hậu quả đáng tiếc
đã xảy ra”, bà Dung nói.
Bác sĩ Hải cũng nói thêm, theo quy định của Bộ Y tế
không cho phép mổ hẹn ngày, hẹn giờ vì điều đó sẽ làm quá tải ảo, ảnh hưởng đến
những bệnh nhân có bệnh lý thực sự cần phẫu thuật.
“Quan trọng nhất là bác sĩ cần đặt mình vào vị trí của sản phụ để suy nghĩ,
còn sản phụ cùng người nhà cần được tư vấn kỹ và phải biết trong lúc vượt cạn có
thể gặp phải những sự cố trở tay không kịp. Những người không có chức năng cũng
không nên tuyên truyền những điều mình chưa thực sự hiểu về lợi, hại của đẻ
thường, đẻ mổ làm cho sản phụ thêm lo lắng” - Bác sĩ Hải nói.
Sinh thường, chức năng hoạt động của phổi em bé sẽ tốt hơn (lúc chui qua ống sinh dục, em bé sẽ được tạo áp lực âm trong lồng ngực, chui ra ngoài phổi nở tốt), với sự trợ giúp của thuốc giảm đau thì đau đẻ không còn là vấn đề lớn. Còn
trẻ sinh mổ tỷ lệ mắc các bệnh hô hấp cao hơn, mẹ dễ bị các biến chứng nguy
hiểm, nhiễm trùng,.. Trong quá trình sinh mổ mẹ phải gây mê, gây tê. Tuy biến
chứng gây mê, tê chỉ gặp ở tỷ lệ 1/100.000 ca nhưng đã bị là rất nặng, có thể
chết ngay lập tức. (Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM) |
N.Anh - Thanh Huyền