21/03/2012 23:10 PM

Một lần nữa cho ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền chiều nay (21/3), nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ QH cho rằng ngân hàng chỉ là một kênh, một thiết chế trong việc phòng chống loại hình tội phạm này.

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự luật là việc cơ quan nào sẽ làm đầu mối phòng, chống rửa tiền.

Theo UB Kinh tế QH, trong điều kiện giao dịch tiền mặt ở nước ta còn lớn, trên thực tế chủ yếu mới phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền thông qua kiểm soát các giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau 6 năm hoạt động cũng có nhiều kinh nghiệm.

UB Kinh tế cho rằng nên để cơ quan này là trung tâm quốc gia có chức năng thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.

Tuy vậy, nhiều thành viên trong Thường vụ QH thấy điểm này không thuyết phục, nhất là khi cơ quan nói trên đến nay chưa phát hiện một trường hợp rửa tiền nào.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định chính vì đặc trưng giao dịch tiền mặt của nước ta mà một cơ quan thuộc ngân hàng khó có thể thu thập tất cả thông tin liên quan đến rửa tiền. Ông Khoa thấy "luật chỉ quy định xoay quanh hệ thống ngân hàng là chưa đủ".

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra các loại giao dịch có thể mang yếu tố rửa tiền không chỉ bó hẹp trong hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… mà có thể có trong bất kỳ mua bán có giá trị cao nào trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ chân thành bày tỏ rằng các cá nhân, tổ chức tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, cơ quan công an trực tiếp điều tra còn thấy khó, chỉ theo dõi qua giao dịch ngân hàng không thể đấu tranh phòng chống rửa tiền hiệu quả.

"Cơ quan công an vẫn phải là đầu mối phòng, chống rửa tiền, ngân hàng và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm phối hợp. Trong đó, cơ quan thông tin thuộc NHNN sẽ là kênh quan trọng để phát hiện những giao dịch có giá trị lớn đáng ngờ", ông Ngọ kiến nghị.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng NHNN chỉ là một trong những thiết chế hỗ trợ phòng, chống rửa tiền.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện còn cho rằng mức giá trị giao dịch được cho là đáng ngờ cũng không nên do NHNN quy định. Theo ông Hiện, việc này ảnh hưởng đến quyền tài sản của công dân, ít nhất phải là do Chính phủ quy định và chịu trách nhiệm trước Thường vụ QH.

Các thành viên Thường vụ QH cũng đồng tình rằng nội dung “phòng chống tài trợ khủng bố”, dù phải đưa vào luật để thực hiện các cam kết quốc tế, cũng chỉ nên quy định một cách nguyên tắc và chiểu theo Luật Phòng chống khủng bố mà Bộ Công an đang soạn thảo.

Cũng trong chiều nay, Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Thường vụ thống nhất quy định chỉ bảo hiểm tiền đồng Việt Nam để thống nhất với chính sách quản lý ngoại hối hiện nay, hạn chế sử dụng ngoại tệ trong giao dịch cũng như tích trữ trong dân bằng ngoại tệ và vàng.

Chung Hoàng


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,514

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn