02/02/2012 15:50 PM

Chia sẻ khó khăn của người dân khi phải thay đổi thói quen, trường học có thể tăng chi phí điện, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng chưa thể đánh giá ngay hiệu quả giảm ùn tắc của phương án đổi giờ.

Ông đánh giá thế nào sau một ngày áp dụng phương án đổi giờ học, giờ làm tại Hà Nội?

- Hiệu quả tất nhiên có, nhưng không thể đánh giá ngay được tác động giảm ùn tắc. Phải khẳng định đổi giờ là một trong nhiều biện pháp, nếu điều chỉnh tạo hiệu quả ngay thì người ta đã thực hiện từ lâu. Đây là biện pháp có tính chất tình thế khi mật độ giao thông quá lớn tập trung vào giờ cao điểm, nguy cơ ùn tắc cao. Nếu giãn thêm giờ cao điểm vào sáng và chiều thì giảm mật độ phương tiện.

Ông Nguyễn Xuân Tân. Ảnh: PV

- Phương án giờ học mới đã gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục, học sinh, sinh viên đi lại và học tập vất vả hơn, ông nghĩ sao?

- Đúng, song nếu tắc đường thì hỏi học sinh có đi học đúng giờ được không? Giao thông bao giờ cũng phải đi trước, phải ưu tiên giao thông trước. Từ xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói giao thông phải đi trước một bước. Nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết Đảng bộ thành phố Hà Nội đã yêu cầu giao thông là một khâu đột phá.

Trong điều kiện kinh tế hiện nay chúng ta chưa thể làm được tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, thì phải có các biện pháp tức thì. Mỗi giải pháp giảm một chút thì cộng lại sẽ giảm ùn tắc.

- Khi tham mưu cho thành phố xây dựng phương án đổi giờ, Sở đã tính như thế nào về chi phí xã hội tăng khi nhiều học sinh, sinh viên phải học buổi tối?

- Nếu học sớm hay học muộn đều phải bật điện, chi phí có thể gia tăng. Cái đó có lý, nhưng người ta không làm bài toán là xã hội sẽ tốn kém bao nhiêu nếu bị ùn tắc giao thông. Mục tiêu cả thế giới phải tiến tới là làm giảm ùn tắc giao thông vì tốc độ tăng dân số cơ học cao. Bài toán này liên tục phải đặt ra, nhất là với các đô thị có tốc độ phát triển cao thì giao thông phải phát triển.

- Ngày đầu đổi giờ, ý kiến khen thì ít, song chê lại rất nhiều, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

- Người dân đã có thói quen từ lâu nên dễ phản ứng khi điều chỉnh giờ học, giờ làm. Tất nhiên mỗi góc nhìn và vị trí khác nhau thì có ý kiến khác nhau, mình cũng phải chia sẻ. Song tôi cho rằng, ngoài các giải pháp đã nêu trong đó có đổi giờ thì chắc ít người có thể đưa ra giải pháp nào có thể hay hơn.

Phương án đổi giờ đã được xây dựng trên một trình tự về ban hành văn bản quy pháp pháp luật. Có lẽ đây không phải một phương án hay nhất song đã được tham khảo, lấy ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành, Hà Nội đã trình Chính phủ phê chuẩn. Phương án này được lấy ý kiến các cơ quan, được soạn thảo tương đối kỹ, bây giờ mới triển khai.

Tất nhiên trong quá trình thực hiện có gì bất cập thì sửa đổi. Tuy nhiên, cần phải có quá trình chứ không thể vừa triển khai đã điều chỉnh. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các trường đại học về thuận lợi và khó khăn. Chúng tôi sẽ tổ chức điều tra tại các nút giao thông trọng điểm xem có những thay đổi gì sau khi đổi giờ.

- Việc đổi giờ ảnh thưởng thế nào đến gia đình ông?

- Việc này không gây xáo trộn trong gia đình tôi. Cậu con trai học lớp 9 đã tự đặt chuông đồng hồ để dậy sớm hơn, vệ sinh cá nhân nhanh chóng và tự đi xe buýt đến trường học như mọi ngày.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, cho biết trong ngày đầu triển khai việc điều chỉnh giờ làm việc và học tập, áp lực giao thông không lớn bởi lượng người tham gia giao thông chưa đông như ngày thường.

"Những ngày sắp tới, khi lượng sinh viên đại học, cao đẳng và người lao động ở các nơi trở về Hà Nội học tập và làm ăn, chắc chắn sẽ nảy sinh những bất cập mới. Lực lượng chức năng cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá mới có thể điều chỉnh phương án đổi giờ", ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho rằng chưa đủ khẳng định kết quả đổi giờ có giảm ùn tắc hay không, cần có thêm thời gian. Tuy nhiên, chắc chắn sinh hoạt các gia đình bị đảo lộn. "Giãn cách giờ cao điểm từ 30 phút đến một giờ là tốt song cũng có thể các dòng phương tiện lại lưu thông lặp lại. Biện pháp đổi giờ, thu phí chỉ là hỗ trợ chứ không phải là quyết định để giải quyết ùn tắc giao thông", ông Hùng nói.

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,680

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn