‘Hiệp sĩ SBC không mang sinh mạng để đổi tiền’

16/12/2011 16:08 PM

Trước gần 2.000 câu hỏi gửi đến VnExpress, anh Minh Tiến không ngần ngại chia sẻ những tâm tư về chuyện đời, chuyện nghề và cả những cám dỗ trong đời hiệp sĩ .

- Xin chúc mừng các hiệp sĩ đường phố đã trở thành nhân vật của năm do tòa soạn báo VnExpress bình chọn. Chúc các anh sức khỏe và can trường. Xin các anh chia sẻ cuộc sống hàng ngày của mình ngoài việc bắt cướp ra thì thời gian để lo cho gia đình như thế nào? Có vất vả quá không khi tôi được biết hầu hết các anh em cũng khá khó khăn. Có khi nào bà xã anh Tiến nói: "Anh ơi đừng đi bắt cướp kẻo chúng lại trả thù nữa" không? (Nguyễn Văn Huấn, 28 tuổi, TH)

- Cảm ơn bạn, tôi cũng phải lao động như các bạn. Khi nào mình có dư chút tiền thì tôi sẽ dùng đồng tiền đó đổ xăng, truy bắt tội phạm. Hàng ngày, tôi vẫn làm mọi việc trong gia đình với trách nhiệm của một người chồng, người cha. Vợ tôi luôn ủng hộ trong công việc rong ruổi trên đường truy bắt tội phạm vì việc này rất có ý nghĩa cho xã hội.

- Khi đối mặt với tên tội phạm nguy hiểm trong tay có vũ khí sẵn sàng liều mình các anh có sợ không? Khi ra tay nghĩa hiệp có khi nào các anh nghĩ đến gia đình người thân của các các anh luôn trông chờ các anh hàng ngày không? (Nguyễn Long Phú, 40 tuổi)

- Khi đó phải bình tĩnh, xử lý nhanh về tâm lý rồi dùng sức khỏe và võ thuật để khuất phục đối tượng. Nhiều kẻ quá manh động buộc chúng tôi phải rất nhanh trí và dứt khoát trong mọi tình huống để khống chế, tránh nguy hiểm cho những người xung quanh và bản thân.

- Khi các anh phát hiện ra một vụ cướp, suy nghĩ đầu tiên của các anh là gì? Lúc đó các anh có chút ngần ngại lo sợ cho an nguy của mình và gia đình? (Nguyễn Thanh Nam, 28 tuổi)

- Đầu tiên, phán đoán sự liều lĩnh của đối tượng cướp giật như thế nào, từ đó mới tiến hành theo dõi, dùng nghiệp vụ để khống chế tên cướp ngay khi chúng vừa ra tay bị bắt quả tang. Nhìn cảnh nạn nhân ngơ ngác hoặc bị thương do kẻ cướp giật gây ra, suy nghĩ duy nhất lúc đó là phải tìm mọi cách bắt được chúng.

- Chào anh Tiến! Em năm nay 22 tuổi, rất hâm mộ tinh thần chiến đấu quả cảm của anh và các anh trong đội vì nhân dân, đẩy lùi cái xấu, mang cái bình yên đến mọi người. Vì vậy anh có thể cho em gia nhập hội để cùng anh rong đuổi phố phường trả lại sự bình yên cho người dân được không ạ? (Nguyễn Trọng Đức, 22 tuổi)

- Dĩ nhiên là được, nhưng trước lúc tham gia đội hiệp sĩ, em cần chuẩn bị những điều sau:

1. Phải có đạo đức và sức khỏe.

2. Không tham lam.

3. Phải nhanh nhẹn.

4. Bản lĩnh - dám đối mặt với tội phạm nguy hiểm và chấp nhận hy sinh vì xã hội.

- Các anh phân biệt kẻ cướp khi chúng chạy trên đường như thế nào ạ? Hay các anh nhận dạng kẻ nghi ngờ là cướp ạ? (Nguyễn Huy Hoàng, 26 tuổi, Hà Nội)

- Những tên cướp đi trên đường thường đi xe không gắn bửng. Tâm lý của chúng cũng khác người đi đường bình thường. Chúng thường ngó nghiêng, lăm le những người mang túi sách, đeo nhiều trang sức.

- Xin các anh chia sẻ những khó khăn trăn trở trong công việc, trong cuộc sống của mình? Các anh có nhận thấy là tình hình trộm cướp, tội phạm ngày càng hoành hành, các anh đã có kiến nghị gì để cải thiện an ninh cho người lương thiện được an tâm phần nào? (Thanh, 33 tuổi)

- Trộm cướp hiện nay, đặc biệt là dịp gần Tết xuất hiện nhiều hơn so với đầu năm nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong xã hội. Nhiều lúc truy đuổi tội phạm trên đường, chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ của những người tham gia để khống chế đối tượng hay liên lạc với nạn nhân để đến cơ quan công an trình báo. Nếu mỗi người hỗ trợ một chút, tôi nghĩ công việc của các hiệp sĩ sẽ dễ dàng phát huy được nhiều hơn.

- Chào chú ạ. Sáng nay thật vô tình cháu vào VnExpress, lại đúng lúc buổi phóng trực tiếp bắt đầu. Cháu muốn hỏi, tại sao chú lại muốn bắt cướp thay cảnh sát ạ? (Bắp Cải, 18 tuổi, Hải Dương)

- Vì bọn cướp giật hoặc trộm cắp có quả tang. Mọi công dân trong xã hội được quyền bắt và giao cho cơ quan công an xử lý.

- Chào anh Tiến, anh có thể cho tôi biết cơ duyên nào mà anh lại làm công việc này? Gia đình anh có phản ứng gì khi biết anh làm công việc này? (Chu Mạnh Hùng, 36 tuổi, Hà Nội)

- Vì từ khi còn nhỏ, mình rất thích làm cảnh sát hình sự. Đến khi lớn lên, một thời gian có tham gia lực lượng công an nhưng vì bệnh nặng nên lại ra khỏi ngành. Hiện tại bây giờ, mình không còn là công an nữa, nên muốn góp một phần sức nhỏ bé của mình cùng tham gia bảo vệ an ninh xã hội.

- Anh đã được huấn luyện như thế nào về việc bắt cướp (Phạm Văn Phúc, 21 tuổi, Nghệ An)

- Trước đây tôi được học qua một khóa ở trong ngành công an. Hiện tại tôi cũng học hỏi kinh nghiệm của các anh trong đội hình sự các quận và TP HCM.

- Nếu ra đường gặp phải bọn dàn cảnh để cướp thì anh có lời khuyên gì cho người dân không? (Đỗ Thanh Hải, 28 tuổi, Lý Thường Kiệt, quận 10, TP HCM)

- Trong người bạn có nhiều tiền và trang sức quý giá, nếu lỡ bị va quẹt xe mà có rất đông người lập tức bu lại thì bạn nên nhanh chóng rút chìa khóa xe, xô ngã xe, giữ chặt đồ quý giá của mình rồi chạy ra xa hô hoán để mọi người có thể biết mà hỗ trợ.

- Anh phải giành nhiều thời gian cho việc bắt cướp như vậy có ảnh hưởng gì đến thu nhập của gia đình không? Cuộc sống của anh có gặp khó khăn gì không? Cám ơn anh Tiến (Vo Van Chuong, 54 tuổi, Uc)

- Có chứ. Ảnh hưởng rất nhiều vì tôi mất nhiều thời gian kiếm thu nhập cho gia đình. Hiện gia đình tôi vẫn đang ở nhà thuê. Tôi đang xin Nhà nước cho thuê một căn hộ giá rẻ để không phải lo lắng chuyện cơm áo, có nhiều thời gian hơn tham gia giữ gìn trật tự xã hội.

- Mình là giảng viên một trường đại học ở TP HCM. Mình rất ngưỡng mộ và thần tượng anh Tiến. Xin hỏi anh Tiến, một người bình thường như mình khi gặp tình huống cướp giật phải xử lý ra sao? Mình rất muốn xin số điện thoại hoặc mail của anh Tiến, để có thể gặp mặt và học hỏi từ thần tượng của mình. Chúc anh Tiến và gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Anh mãi là thần tượng của tôi. (Trần Thanh Phước, 30 tuổi, Nguyễn Tiểu La, F5, quận 10, TP HCM)

- Trong lúc đi đường phát hiện kẻ khả nghi đang theo dõi thì nhanh chóng dừng xe, tấp vô lề và cất các tài sản dễ bị cướp như điện thoại, túi xách. Còn không may gặp cướp hãy hô hoán và nhanh mắt nhìn biển số xe của đối tượng rồi trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Nếu bạn cần liên lạc, email về địa chỉ phapluat@vnexpres.net sẽ nhận được thông tin.

- Em được biết anh bắt được rất nhiều cướp. Vậy anh cho em hỏi khi tham gia săn bắt cướp mà kẻ cướp lại là người thân, ruột thịt của mình anh sẽ xử lý thế nào? (Nguyễn Hoàng Vũ, 22 tuổi, 28 Đinh Lễ - Phú Bài - Thừa Thiên Huế)

- Luật pháp xã hội rất công bằng, có công thì thưởng có tội thì phải trị theo pháp luật mà không nể nang, dung tha bất cứ ai nếu là tội phạm hình sự. Nếu trong trường hợp gặp người thân của mình vi phạm thì anh vẫn phải bắt và giao cho công an xử lý. Bởi mọi hành vi phạm pháp đều gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

- Chào hiệp sĩ Minh Tiến. Anh có sợ mọi người cho mình là gàn dở khi cứ bắt cướp liên tục như vậy không. Trong khi anh không được lợi ích gì mấy. Đặt câu hỏi như vậy thôi nhưng đối với em anh là một người vô cùng tốt và hiếm có trong xã hội hiện tại. Mong ngày nào đó được gặp mặt anh. (Nguyễn Trung Kiên, 29 tuổi, Hà Nội)

- Mình nghĩ công việc này là một cách góp phần giữ gìn an toàn cho xã hội. Mỗi công dân phải làm hoặc xả thân cho đất nước mình để đất nước mình tốt đẹp hơn.

- Tôi rất cảm phục tư tưởng và hành động của các anh. Nếu được đề nghị Nhà nước trang bị các phương tiện hỗ trợ thì các anh cần những gì? (Bùi Thanh Đại, 34 tuổi, Hải Phòng)

- Nếu được thì mình chỉ muốn nhất là còng số 8, cây sắt chống lại mã tấu. Chỉ vậy thôi.

- Chào anh Tiến! Có khi nào các anh gặp… cám dỗ không ạ? (Tran Huy, 26 tuổi)

- Có chứ, rất nhiều là đằng khác. Nhưng quan niệm sống của anh là "nghèo cho sạch, rách cho thơm"...

- Em chào anh Tiến, anh cho em hỏi là đã bao giờ anh phải đối mặt với những tên cướp có súng chưa và nếu có thì anh sẽ xử lý như thế nào? (Sado, 30 tuổi, HCM)

- Trước khi mình gặp tên cướp có súng phải bình tĩnh, xử lý nhanh, mưu trí, sức khỏe và võ thuật.

- Anh nên thành lập công ty đào tạo nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu. Bằng hình thức các bên cùng có lợi thì việc cống hiến của anh sẽ lâu dài và cánh tay hỗ trợ của anh mới kéo dài ra thêm được. (Minh Trung, 35 tuổi)

- Mình rất muốn làm điều đó nhưng hiện tại chưa có điều kiện, gia đình mình vẫn còn phải ở nhà thuê nên chưa thể thực hiện được. Mình rất muốn thành lập và mong xã hội cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mình thực hiện mong muốn này.

- Em đọc báo thấy các anh bắt cướp rất dũng cảm! Vậy các anh có phải đi học võ karate hay gì đó không ạ? Nếu bắt cướp mà bị thương anh có bị nản chí?(Nguyễn Bá Hậu, Nghệ An)

- Không hề nản chí mà ngược lại còn rút được kinh nghiệm cho những lần sau. Còn về võ thuật, từ nhỏ mình đã học võ thiếu lâm tự và hiện tại cũng là trưởng nhóm hiệp sĩ SBC tại TP HCM nên mình cũng hướng dẫn cho các thành viên trong đội.

- Anh Tiến cho em hỏi, khi bắt tội phạm như vậy thì nhiều đối tương khi ra tù hoặc đồng bọn của chúng sẽ trả thù gia đình thì sao? Bây giờ nhiều người biết anh rồi? Vợ và con nhỏ đâu đủ sức chống trả? Anh bảo vệ họ bằng cách nào? (Nguyễn Anh Minh, Bình Dương)

- Phải nói thật là mình rất lo. Mình đã mướn nhà ở ở gần cơ quan công an và luôn có một vài thành viên trong nhóm SBC hỗ trợ gia đình mình 24/24.

- Hiện nay các lực lượng công an đang tổ chức thí điểm ở một số địa phương để có cơ sở nhân rộng loại hình ngăn chặn tội phạm như tổ chức của các bạn, bạn nghĩ như thế nào về việc đó? (Nguyễn Quang, Hà Nội)

- Công việc này rất tốt và nhóm của mình cũng đang vận động các đội xe ôm trong thành phố phối hợp với cơ quan chức năng và nhóm hiệp sĩ để đẩy lùi tội phạm. Toàn dân cùng tham gia phòng chống tội phạm thì xã hội sẽ được an toàn và tốt đẹp hơn.

- Chào anh Tiến, đã khi nào anh bị bọn côn đồ dọa và hành hung chưa? Người thân anh có khi nào phản đối việc anh làm không? (Hồ Văn Thanh, Thanh Hoá)

- Rất nhiều lần bị côn đồ hù dọa và hành hung nhưng tôi phối hợp với lực lượng công an xử lý được tất cả các đối tượng. Còn gia đình thì luôn ủng hộ tôi làm những việc tốt này.

- Cháu rất hâm mộ sự dũng cảm của các chú. Công việc các chú làm rất có ý nghĩa. Chú có thể cho cháu biết là cảm xúc của chú sau khi bắt được tội phạm như thế nào không ạ? (Phạm Hữu Vinh, 16 tuổi, Trà Vinh)

- Bắt được tội phạm chú cảm thấy rất sung sướng khi góp một phần sức lực nhỏ bé đảm bảo an ninh cho xã hội.

- Chú Tiến ơi có bao giờ chú sợ bị nhiễm HIV từ những tên cướp mình bắt không? (Thắng, 10 tuổi, Hà Nội)

- Nếu biết tội phạm bị nhiễm HIV, chú thường dùng chân để khống chế đối phương vì lúc nào cũng mang giày. Hoặc chú sẽ dùng tay chụp vào quần áo đối tượng. Còn bình thường chú không biết ai bị nhiễm HIV thì chỉ chú tâm vào việc bắt bằng được tội phạm thôi.

- Với sức khỏe và kinh nghiệm của anh, cùng lúc anh có thể chống lại được bao nhiêu tên cướp? (Nguyễn Xuân Tung, Quảng Nam)

- Khoảng 2-3 tên thì mình có thể khống chế được chúng.

- Tôi không hỏi mà nể phục các anh xin triệu triệu lần cảm ơn mong có thật nhiều người như thế. (Trần An Minh, 63 tuổi, Cà Mau)

- Trân trọng cảm ơn chú.

- Anh ơi! Em thấy các anh làm việc nghĩa hiệp nên rất nguy hiểm đến tính mạng của anh và các đồng đội của anh. Vậy anh có đề nghị cơ quan công an xem xét cấp cho các anh áo giáp và công cụ hỗ trợ chưa vậy anh? (Nguyễn Anh Kiệt)

- Mình rất muốn và cũng đã có đề nghị về việc này rồi nhưng khi nào thành lập CLB hiệp sĩ giống ở Bình Dương thì cơ quan mới xem xét. Hiện tại đội hiệp sĩ tại TP HCM do mình làm trưởng nhóm và do mình tự thành lập.

- Anh có thể chia sẻ chút kinh kinh nghiệm về cách thành lập câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Tôi rất muốn học tập kinh nghiệm để đưa vào hoạt động ở địa phương mình?(Nguyễn Đăng Hoàng, Quảng Ninh)

- Nếu bạn muốn học hỏi kinh nghiệm mình lúc nào cũng sẵn sàng. Bạn hãy liên hệ với mình thông qua VnExpress.net vì có nhiều thông tin xây dựng hội nhóm mình có thể chia sẻ với bạn.

- Trước tiên xin gửi đến các anh lời chúc sức khỏe! Tôi không còn lời nào để nói với các anh ngoài 2 chữ: "Khâm phục". Hôm trước biết các anh bắt cướp không được sự hỗ trợ của mọi người mà còn bị mất xe nữa, tôi thật sự buồn vì điều đó! Các anh có cảm thấy bất công? (Đoàn Minh, Đà Nẵng)

- Trong lúc truy bắt, sợ tội phạm chạy mất nên nhiều lúc mình phải bỏ xe để chạy theo đuổi bắt chúng. Tên tội phạm mà mình đã bắt và bị mất xe là tên cực kỳ nguy hiểm trong đường dây trộm xe có tổ chức. Hắn có nhiều tiền án, lại có sức khỏe và võ thuật. Mình không nghĩ là bị đối xử bất công. Dù cho mình bị mất mạng mà bắt được tội phạm thì mình cũng chấp nhận.

- Công việc không được trả lương, có ảnh hưởng nhiều đến đời sống thường nhật của các anh không? (Ngô Hữu Quang, Cần Thơ)

- Tụi mình làm công việc này hoàn toàn tự nguyện, chưa có nhiều sự hỗ trợ về mặt tài chính mà chủ yếu anh em bỏ tiền túi ra đổ xăng, rong ruổi trên đường và truy bắt tội phạm. Cuộc sống gia đình cũng tạm ổn, đôi khi cũng phải thu xếp thời gian kiếm tiền nuôi vợ con bên cạnh công việc xã hội.

- Có bao gi anh Tiến suy nghĩ s t b công vic hin ti đy nguy him đ chăm lo cho gia đình? (Vũ Dũng Thành, Hải Phòng)

- Không, mình muốn làm công việc này cho đến lúc mình không còn sức khỏe mới thôi. Hiện nay xã hội rất cần những người làm công việc này nên mình sẵn sàng chấp nhận hy sinh phần nào đó.

- Có khi nào hiệp sĩ gặp phải một tên cướp võ nghệ cao cường không thua gì hiệp sĩ? (Minh, TP HCM)

- Có chứ. Nhưng tâm lý tên cướp lúc sẽ lo lắng, không còn đủ bình tĩnh nên võ thuật và sức khỏe sẽ bị giảm đi. Nên tôi có thể khống chế được một kẻ có võ nghệ ngang bằng mình.

- Cá nhân tôi thấy anh là con người đại trượng phu và nghĩa hiệp. Có thể nói anh thuộc nhóm người số ít trong xã hội. Vậy anh có cách gì kiến nghị cơ quan thẩm quyền nhân rộng mô hình này để giúp ích cho xã hội (Nguyễn Thanh Bình, Bình Thuận)

- Hiện nay, ngành công an cũng có phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc bằng những hành động cụ thể của mỗi người. Tôi nghĩ mô hình sẽ dễ dàng được nhân rộng để giúp ích cho xã hội.

- Đã khi nào anh bắt được cướp đem giao cho cơ quan địa phương nhưng họ không muốn nhận và đùn đẩy anh chuyển sang địa phương giáp ranh. Cảm giác của anh lúc đó thế nào? Chắc có những lúc anh nghĩ về con và Anh cảm giác bất an? (Nguyễn Minh Trí)

- Chuyện này chưa hề xảy ra. Vì lực lượng công an luôn bảo vệ người dân nên cũng hỗ trợ cho chúng tôi.

- Anh nghĩ thế nào nếu công việc của các Hiệp sĩ SBC là một nghề chính thức, được trả lương và trang bị những phương tiện cần thiết?(Lộc Huỳnh, Sydney)

- Nếu được vậy thì tôi sẽ thành lập rất nhiều đội hiệp sĩ từ cấp phường tới cấp quận cùng hỗ trợ với lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự.

- Tôi thấy nhiều dân phòng không làm được những điều như anh. Đời thường anh làm việc gì, anh có tham gia tổ dân phòng? Anh đã từng đi bộ đội hay có thời gian tập võ, phải không? (Le Minh Minh, Hải Phòng)

- Trước đây tôi có gia nhập lực lượng vũ trang công an. Nhưng do lúc đó sức khỏe yếu nên đành ra khỏi ngành. Bây giờ ngày thường tôi là nhân viên bán xe ở một cửa hàng xe gắn máy của một người bạn.

- Các anh thật đáng khâm phục và biểu dương, xứng đáng là những nhân vật tiêu biểu của công dân Việt, luôn đứng về cái thiện, loại bỏ cái ác để xã hội Việt Nam an ninh, vững tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ cái thiện. Xin hỏi anh, đã bao giờ cái ác nhìn thấy các anh mà trùn bước? (Cuma2002, Haiphong)

- Mình nghĩ hãy luôn làm mọi việc với cáí tâm của mình, công việc góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội cũng là một công việc tốt, dĩ nhiên, cái ác - những kẻ trộm cắp cướp giật manh động sẽ trùn bước trước sự mưu trí và dũng cảm của những người dân.

- Em thật ngưỡng mộ và muốn biết vợ anh làm nghề gì? Các con anh lớn hay nhỏ? Cám ơn anh! (Huong Giang, Hà Nội)

- Hiện tại vợ mình đang ở nhà nội trợ, đưa đón và dạy cậu con lớp 8 học để mình có thời gian đi kiếm tiền và truy bắt tội phạm.

- Bây giờ mọi người toàn sợ bị vạ lây mỗi khi can thiệp vào "chuyện riêng" của bọn trộm cắp, cướp giật. Có lẽ cũng chính vì thế mà hiếm ai dám can thiệp khi gặp những chuyện như thế. Lúc đầu các anh có sợ như thế hay không, nếu các anh có sợ hoặc trong đội ngũ các anh có người như thế thì các anh vượt qua nỗi sợ đó như thế nào? (Thanh, Nghe An)

- Ngày xưa, có câu nói là "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Nếu mọi người dân ai cũng đồng lòng thì bọn tội phạm phải rút lui. Một điều quan trọng khi tham gia các đội hiệp sĩ SBC là mỗi thành viên phải có bản lĩnh - dám đối mặt với nguy hiểm và vượt qua.

- Anh có nhớ mình đã tóm được bao nhiêu tên cướp không ạ? (Nguyễn Xuân Toản, Hà Nội)

- Trước đây mình bắt rất nhiều nhưng không thể nhớ hết. Nhưng từ khi thành lập nhóm hiệp sĩ, năm 2009 mình bắt được 68 vụ, 2010 là 58 vụ, từ đầu 2011 đến hiện tại là 41 vụ đã được cơ quan công an xác nhận.

- "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" các anh nghĩ thế nào về câu này? Các anh tự ái, hay mặc cảm về điều này không? (Nguyễn Tuấn Hùng, Vũng Tàu)

- Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì xã hội mình sẽ không còn và đất nước không tồn tại. Những người có cách suy nghĩ "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" là những người chỉ biết lợi ích cá nhân và bản thân mình. Còn xã hội và đất nước ra sao, họ cũng không quan tâm. Tụi mình không bao giờ mặc cảm về điều này.

- Nói gì đi nữa thì việc các anh làm có thể gây khó khăn, thiệt hại cho không chỉ bản thân mà còn cho những người thân. Nếu chẳng may...?!?!, anh có ân hận...??? (Bùi Xuân Tràng, 60 tuổi)

- Theo cháu chết vì vinh quang cho đất nước, xã hội và nhân dân còn hơn chết vì ăn nhậu, phạm pháp, ghen tuông... nên không có gì tiếc nuối. Với người thân mình, mình cũng nghĩ như thế, đó là sự hy sinh cho xã hội.

- Nghe thông tin là anh được đặc cách vào ngành công an không biết có đúng không? Nếu đúng thì tại sao anh lại từ chối? (Le Trung Phat)

- Có. Lúc đó cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đặc cách cho mình vào ngành công an nhưng mình nghĩ đã lớn tuổi và lương của ngành cũng không đủ trang trải cho cuộc sống và gia đình nên đã từ chối.

- Tôi rất ngưỡng mộ anh Tiến, việc làm của anh thật dũng cảm. Tôi muốn hỏi anh là tôi có thể gia nhập vào đội của anh không, tôi hiện đang ở quận 4. (Nguyễn Tuấn, 30 tuổi).

- Được chứ. Nếu anh muốn tham gia thì hãy liên hệ với báo VnExpess để biết được số điện thoại của mình.

- Xin hỏi anh Tiến em là người con của Cẩm phả, Quảng Ninh. Em hay phải chứng kiến những cảnh thanh toán cướp giật trong lòng rất tức giận nhưng ở nơi em chưa có người nào nghĩa hiệp như anh và CLB vậy anh có thể hướng dẫn và giúp nơi em có câu lạc bộ như thế được không anh (Hồ Thái Sơn, Hà Nội)

- Nếu em muốn thành lập câu lạc bộ kiểu này thì có thể trao đổi với anh. Anh sẽ hướng dẫn. Em cứ liên hệ với báo VnExpress nhé!

- Anh Tiến ơi, anh có được chính quyền địa phương và công an hỗ trợ gì không? Sao họ lại không hỗ trợ các thiết bị phòng vệ cho anh ( roi điện, bộ đàm, áo chống đạn... (Hoàng Hùng, Cà Mau)

- Nhóm mình do cá nhân mình tự thành lập nên chưa được trang bị các công cụ hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

- Căn bệnh vô cảm của mọi người trong xã hội chúng ta đang ở mức báo động, hành động của các anh rất đáng trân trọng, là liều thuốc tốt trị căn bệnh này. Tuy nhiên các hoạt động của anh đã có từ lâu mà chưa được nhân rộng. Anh có đề nghị gì với nhà nước và các ban ngành đoàn thể vì cả Sài Gòn mà chỉ có một CLB của Minh Tiến thì quá ít. (Bảo Phúc, 57 tuổi, quận Tân Bình)

- Đúng như bác nói. Cả Sài Gòn mà chỉ có một CLB thì quá ít nhưng cũng khó nói bởi việc làm này không có lương và lại nguy hiểm. Cháu cũng đang đề nghị nhà nước thành lập CLB Hiệp sĩ của TP HCM.

- Những pha rượt đuổi cướp trên đường phố là rất nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh, anh có thể chia sẻ các bí quyết để có kĩ năng lái xe như thế được không ạ? (Huỳnh Minh, Phan Thiết)

- Cần phải xử lý mau lẹ trong mọi tình huống, tránh nguy hiểm cho người đi đường và bản thân. Chủ yếu kinh nghiệm sau mỗi lần đuổi bắt đối tượng được mình đúc kết và phổ biến cho anh em trong nhóm.

- Một lần em thấy anh đuổi theo tên cướp trên địa bàn Tân Phú và bị ngã xe, lúc đó xe của anh hư hỏng nặng. Vậy những chi phí sửa chữa và chi phí điều trị của anh có được cơ quan nào hỗ trợ anh không? Em muốn thông qua báo để lập quỹ hổ trợ thì làm như thế nào? (Minh, 30 tuổi, TP HCM)

- Nói về chi phí thì mình tự bỏ tiền túi ra chi trả hết, hoặc có chỗ sửa quen mà mình chưa thanh toán được thì nợ lại. Hiện tại không có cơ quan và mạnh thường quân nào hỗ trợ. Nếu em có ý định đó thì anh xin cám ơn và em có thể liên hệ với tòa soạn VnExpress để biết số điện thoại của anh!

- Em là con gái và cũng nhiều lần là nạn nhân của bọn cướp ngoài đường. Em luôn cảm giác bất an khi đi buổi tối nhất là nhà em lại xa nữa. Em muốn hỏi anh có cách nào để tự vệ hợp pháp và cảm thấy được tự tin khi ra đường không a? (Tạ Thị Thúy, Hà Nội)

- Nếu các bạn gái muốn tự vệ thì đầu tiên đừng mang những vật quý giá trên người hoặc để cho bọn cướp phát hiện. Nếu trên đường đi bạn phát hiện những thanh niên theo mình trên đoạn đường dài thì những thanh niên đó có thể là đối tượng cướp giật. Bạn có thể chạy vào những khu dân cư đông đúc hoặc cơ quan công an để tội phạm không dám tấn công mình.

- Khi hành động đối với bất cứ vụ nào, anh có nghĩ đến việc nếu mình bị thương hay rủi ro mất đi ai mới là người chịu thiệt thòi nhất không? Việc đứng vào hàng ngũ SBC cũng cần phải được sự công nhận của nhà nước anh nên đòi hỏi ít ra là phương tiện và áo bảo hiểm cho mình chứ? (Chauduong, USA)

- Trước khi làm việc này mình có thông qua tất cả mọi thành viên trong gia đình. Nếu rủi ro mình mất đi trong công việc săn bắt cướp mình chấp nhận vì mình mất đi trong sự vinh quang, góp ích cho đất nước và nhân dân.

- Nếu có lúc các anh phải đối mặt với một băng cướp táo tợn khoảng 4-5 tên có trang bị mã tấu còn các anh chỉ có một người thì lúc đó các anh có cảm thấy quá nguy hiểm khi lao vào bắt chúng không? Trong tình huống đó các anh sẽ xử trí ra sao? (Nguyen Van Thuong, TP HCM)

- Nếu mình chỉ đi một mình mà đối phương có đến 4-5 tên và có mã tấu, đầu tiên tông thẳng xe vào chúng rồi thoát ra ngoài. Lúc đó chắc chắn những tên cướp này cũng sẽ bị thương. Sau đó, mình sẽ la lên và nhờ sự hỗ trợ của người dân và lực lượng địa phương tại chỗ.

- Thưa anh Minh Tiến. Trước hết em xin chúc sức khỏe anh và gia đình. Chúc anh thành công trong cuộc sống. Em xin hỏi anh một điều vui vui nhé: Nếu để "trả công" cho những việc anh đã làm, một cháu bé đến tặng hoa và một người mang đến những vật chất to lớn. Anh sẽ trân trọng điều gì? (Chiến Sĩ C45 - Bộ Công An)

- Mình làm điều này không phải vì đồng tiền, vì đất nước và nhân dân của chúng ta. Nếu mình suy nghĩ vì đồng tiền thì mình đã không làm công việc vì không ai lấy sinh mạng để đổi lấy những đồng tiền này và việc làm này không phải là sự đam mê.

- Thu nhập hàng tháng của anh là bao nhiêu? Có đủ sống không? (Hieu, HN)

- Trung bình thu nhập của mình khoảng 6 triệu, vừa trang trải được tiền mướn nhà và đóng tiền học cho con. Còn mình và vợ thì ăn bên nhà ngoại.

- Anh có gặp trường hợp nào mà tên cướp là một anh chị trong giới giang hồ không? Và nếu có trường hợp ấy thì sao? (Nguyễn Văn Sơn, Hà Nội)

- Có rất nhiều chứ. Nhưng xin lỗi không thể tiết lộ được vì tội phạm vẫn là con người. Vì công việc này còn phụ thuộc vào chuyên môn của công an, chỉ có cơ quan pháp luật mới có quyền công khai tên tuổi.

- Xin anh Tiến cho biết anh có ý kiến, đề xuất gì với các cơ quan công an để nhanh chóng giảm thiểu tình trạng cướp giật xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây? (Lê Đức Thọ, Đồng Nai)

- Tình trạng cướp giật hiện tại chỉ là một phần nhỏ. Sức mạnh của sự dũng cảm là không sợ nguy hiểm của mỗi công dân thì tội phạm sẽ giảm.

- Nhìn anh Tiến như minh tinh màn bạc ý. Anh có chơi thể thao hay thể hình gì không ạ? (Thaibq, Hanoi)

- Cám ơn em! Có chứ. Anh có tập thể hình để rèn luyện sức khỏe. Vì văn ôn võ luyện mà, có sức khỏe mình mới chống chọi lại bọn tội phạm được.

- Thực sự thì những người như anh Tiến đã trở thành thần tượng của rất nhiều người, kể cả người những người trẻ tuổi (biết suy nghĩ), có thể nói cụm từ "hiệp sĩ đường phố" đã trở nên quá thân thương và quen thuộc. Các anh cảm thấy như thế nào về tình cảm mà người dân cả nước dành cho các ảanh? (Trần Việt Đức, TP HCM)

- Mình rất trân trọng những tình cảm mà nhân dân dành đã dành cho mình và mình sẽ quyết tâm làm nhiều hơn nữa để không phụ lòng.

- Hi anh! Sức khỏe của anh hiện nay thế nào rồi? Tôi thấy lo cho anh sau này vì anh đã từng bị chấn thương sọ nào rồi. (Gomespham, 30 tuổi)

- Cám ơn bạn đã quan tâm tới mình. Tình trạng sức khỏe hiện tại của mình bây giờ đang rất tốt. Vết thương cũ khi trời lạnh có hơi buốt nhưng cũng không ảnh hưởng lắm.

- Anh Tiến à, đã có nhiều lời đề nghị trên báo Dân trí là giúp anh có một căn nhà. Vậy đến bây giờ anh đã có hay chưa, hay tất cả chỉ là.. dự án..? Buồn thay nếu thực sự là vậy. (Tran Lan, 55 tuổi)

- Trước đây trên báo Dân Trí có đăng bài báo giúp tôi một căn nhà. Nhưng hiện tại nhân dân gửi trực tiếp đến tôi khoảng 18 triệu, còn báo Dân trí tại HN gửi vào cho tôi gần 3 triệu đồng.

- Tôi rất khâm phục những hành động của anh. Động lực thật sự nào khiến anh yêu thích và theo đuổi công việc nguy hiểm này? Phải chăng anh đã gặp điều gì đó trong quá khứ ám ảnh anh có liên quan đến những tên tội phạm? (Hoàng Minh, Hà Nội)

- Vì mình ra ngoài đường, chứng kiến rất nhiều cảnh người dân bị cướp giật nhưng không thấy ai truy đuổi bọn cướp vì sợ chúng quay lại trả thù. Mình chấp nhận công việc này vì mình muốn khuấy động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

- Em là một giáo viên ở Lào Cai. Đã được nghe nhiều về các anh nhưng chưa lần nào được tận mắt nhìn. Ở trên em (Lào cai) mô hình săn bắt cướp như này rất ít thậm chí không có. Em mong muốn một lần các anh sẽ ra Bắc, với tư cách là tuyên truyền viên để cho mọi người thấy rằng mỗi người dân là một hiệp sỹ được không ạ? (Nguyễn Minh Duơng, 27 tuổi)

- Cảm ơn em, anh cũng mong sẽ có dịp được trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm với người dân trên mọi miền tổ quốc, nhân rộng mô hình này cho toàn xã hội.

- Chào anh Tiến! Anh cho em hỏi là chiếc xe anh bị mất đã tìm lại được chưa hay là anh phải mua xe mới? Xin cảm ơn anh! (Vo Tuấn, 23 tuổi)

- Chiếc xe bị mất vẫn chưa tìm lại được. Anh đã trình báo công an quận Tân Phú và họ đang truy tìm. Hiện tại anh được một mạnh thường quân tặng cho anh một chiếc xe mới để phục vụ cho việc bắt cướp.

- Nếu một ngày nào đó vợ anh buộc anh phải lựa chọn giữa việc bắt cướp và gia đình. Anh có bỏ nghề săn bắt cướp không (Diep Thi Cam Ha, 26 tuổi)

- Hiện tại mình đã chọn cả hai và bà xã cũng ủng hộ mình trong việc bắt cướp.

- Cho tôi được biết chương trình trong ngày anh làm gì? Công việc săn bắt cướp ra sao? (Jimmy Tran, 36 tuổi)

- Hàng ngày mình đứng bán cửa hàng xe cho một người bạn để lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Những lúc rảnh rỗi, mình sẽ tập hợp anh em trong nhóm, đi tuần tra, bắt tội phạm cướp giật và trộm cắp.

- Anh được gọi là "Hiệp sĩ" thế anh có muốn và khuyến khích con cái mình theo ngành công an để có môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn hay chỉ dừng lại là hiệp sĩ như các anh? (Dương Thanh Long, 29 tuổi)

- Hiện tại mình có một đứa con trai học lớp 8, đang rất thích ngành công an và cũng được các chú các bác trong Bộ Công an "chấm" sau này phải làm công an. Và riêng mình cũng rất ủng hộ cháu theo ngành này.

- Xin chào anh hiệp sĩ đường phố. Chúc mừng các anh trở thành nhân vật của năm. Chúc các anh nhiều sức khỏe và lòng quả cảm để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Em rất bất bình và căm ghét cái ác, nhưng cũng rất "chết nhát" khi đối diện những phần tử xấu. Xin các anh chia sẻ với em cách nào để em có thể mạnh mẽ hơn được không ạ? (Phạm Ngọc Thảo Nguyên, 26 tuổi)

- Nếu phát hiện được tội phạm mà mình không dám đối đầu với chúng thì sẽ tới trình báo với cơ quan công an gần nhất hoặc các đội hình sự các quận, huyện hoặc phòng cảnh sát hình sự tỉnh, thành phố (PC45).

- Anh nghĩ gì khi có một số ý kiến cho rằng các anh làm như thế vì mục đích lăngxê tên tuổi, làm nổi mình để xã hội chú ý. Có một số cán bộ công an, không hợp tác hoặc bàng quan mỗi khi các anh bắt cướp giao nộp, các anh nghĩ gì về họ? Anh có mong muốn sẽ có một quỹ nào đó để hỗ trợ các anh hằng tháng? (Minh Huyền, 36 tuổi)

- Tôi khẳng định việc này không phải vì mục đích lăng xê mà để ủng hộ lực lượng công an, là cánh tay nối dài của các anh công an và phục vụ nhân dân. Chứ không phải là để muốn được nổi tiếng. Còn lực lượng công an thì lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ mình 100% cho toàn nhân dân bắt cướp giật, trộm cắp có quả tang nên chuyện bạn nói chưa bao giờ xảy ra. Tôi nghĩ, người giàu thì người ta dùng tiền để làm từ thiện, còn mình nghèo thì mình dùng sức để phục vụ nhân dân. Còn quỹ hỗ trợ thì tùy lòng hảo tâm của người dân vì nếu có kinh phí hỗ trợ, cùng với sức lực của mình thì việc đẩy lùi tội phạm sẽ dễ dàng và đạt kết quả tốt hơn nữa.

- Anh cảm thấy thế nào khi tham gia bắt cướp rồi cuối cùng lại bị mất xe? Anh nghĩ gì khi một mình chiến đấu với cướp có vũ khí và hàng chục người đứng ngoài xem? (Binh Ngo, 37 tuổi)

- Vì hiện tại nhân dân không được huấn luyện qua trường lớp như lực lượng chức năng nên chỉ biết đứng ngoài nhìn là bình thường. Còn việc mất xe mình không có gì đáng tiếc vì mình đã bắt được một tên tội phạm nguy hiểm, mình có thể mất mạng cũng không hối tiếc.

- Tôi được đọc nhiều bài báo nói về các chiến công của anh và đồng đội, tôi rất thán phục và rất vui khi bây giờ vẫn còn những người nghĩa hiệp như vậy. Xin hỏi anh, điều gì thấy lo lắng nhất khi tham gia truy bắt tội phạm? ( Phan Tuan Anh, Chi cuc thue vinh yen)

- Trước đây, khi mới bắt đầu truy bắt tội phạm thì mình hơi lo sẽ ảnh hưởng đến an toàn bản thân. Nhưng về sau được học thêm kinh nghiệm trong ngành công an, và công việc này cũng như là một "nghề" đối với mình nên bây giờ mình đã không còn lo lắng khi bắt cướp nữa.

- Hôm qua tôi chứng kiến anh bắt tên cướp tại đường Cộng Hòa, không có người đi đường nào trợ giúp. Cảm giác của anh thế nào khi một mình xử lý tên cướp lúc đã bắt được chúng? Anh có nghĩ mình cần được cấp một số điện thoại nóng để gọi cảnh sát 113 không? (Huy Hùng, 40 tuổi)

- Số điện thoại của cơ quan công an mình đã có đủ. Còn công việc bắt cướp cảm thấy xử lý được thì mình sẽ xử lý. Trong tình huống bọn cướp quá đông thì cần sự trợ giúp của cơ quan công an.

- Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên chạy xe trên nhiều con đường của Sài Gòn, cũng chứng kiến nhiều cảnh cướp giật trước mắt. Rất tiếc tôi đã gần 60 tuổi nên không thể ra tay cứu giúp người bị nạn như các anh. Tuy nhiên tôi có thể cung cấp thông tin cần thiết dựa vào những gì đã thấy. Anh Tiến có thể cho tôi số điện thoại liên lạc được không? Chúc các anh được nhiều sức khỏe và nghị lực để tiếp tục phục vụ xã hội (Tienpham, 60 tuổi).

- Cảm ơn chú, chú liên lạc vào email phapluat@vnexpress.net để được thông tin.

- Chào anh Minh Tiến! Được bầu chọn là nhân vật tiêu biểu của năm 2011 không biết cảm xúc của anh lúc này như thế nào? Sau những đóng góp thầm lặng của anh cũng như nhóm hiệp sĩ SBC vì sự bình yên của mọi người, khi về với đời thường anh cảm thấy như thế nào? (Trần Thanh Trung, Bến Tre).

- Cảm xúc bây giờ là mình rất hãnh diện và vinh dự vì đã nhận được tình cảm của toàn xã hội giành cho mình và mình sẽ ráng cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với tình cảm của mọi người.

- Hello anh Minh Tiến. Cảm ơn các anh đã làm những công việc để xã hội được yên bình. Em đang sống ở Austria, xin hỏi khi các anh phát hiện được những tên cướp thì các anh có mong sự giúp đỡ của bà con hoặc tạo điều kiện gì cho các anh? (Vuong Van Hai, 29 tuổi).

- Hiện tại ở Việt Nam đang nhân rộng toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc theo nghị định 09 của Chính phủ, riêng lực lượng công an luôn phục vụ nhân dân hết lòng. Còn trên đường phố, khi nghe hô hoán hay truy đuổi cướp, nhiều người dân cũng tham gia hỗ trợ để chặn đường tẩu thoát của những tên cướp.

- Nếu được tặng một chiếc xe, anh chọn loại xe máy nào? (Nguyễn, Đồng Tháp)

- Mình sẽ chọn một chiếc Moto CB 400 phân khối.

- Xin chúc mừng các hiệp sĩ đường phố đã trở thành các nhân vật của năm. Chúc các anh sức khỏe. Xin các anh chia sẻ ước mơ của các anh? (Quốc Dũng, Hà Nội).

- Ước mơ của mình là mình muốn có một ngôi nhà nhỏ để vợ con có nơi sinh hoạt và mình yên tâm hơn trong công việc kiếm tiền trang trải cuộc sống của hai vợ chồng.

- Theo anh Minh Tiến có nên hay chăng đề xuất các bạn trẻ trong một cụm dân cư hoặc một tổ dân phố tham gia lớp học võ tự vệ do các hiệp sĩ hoặc Công An, sao cho mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ mình và cùng hỗ trợ mọi người giữ gìn an ninh tại nơi mình sống? (Vũ Quang, ABC).

- Mình đang muốn nhân rộng mô hình câu lạc bộ SBC nên việc tổ chức các bạn trẻ trong khu dân cư, tổ dân phố tham gia vào lớp học võ bảo vệ trật tự là rất cần thiết và nên làm.

- Xin cảm ơn các anh, em chúc các anh 1 năm mới dồi dào sức khỏe, luôn hạnh phúc và đặc biệt phải giữ được sự an toàn cho bản thân cũng như toàn gia đình của mình. (Quangtx1989, 22 tuổi).

- Cảm ơn các độc giả đã tham gia giao lưu trực tuyến. Nhân dịp năm mới, thay mặt anh em hiệp sĩ đường phố, chúc độc giả VnExpress.net một năm mới sức khỏe và hạnh phúc.

VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,050

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn