13/12/2011 16:56 PM

- Dù đánh giá của lãnh đạo Quốc hội về chất lượng phiên chất vấn tại kỳ họp vừa qua là "công tác điều hành quyết liệt, linh hoạt", song theo một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì vẫn còn nhiều hạn chế cần rút kinh nghiệm.

Sáng nay (13/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13.

"Có những người được chuẩn bị câu trả lời"

Báo cáo trình trước phiên họp khẳng định: Các phiên chất vấn thực sự dân chủ, thẳng thắn nhưng không gay gắt. Tính tranh luận, đối thoại cao hơn, nhiều vấn đề đưa ra được làm rõ, đi đến cùng. Công tác điều hành thể hiện quyết liệt, linh hoạt, bảo đảm nội dung, hạn chế được sự trùng lắp, hướng nghị trường vào những vấn đề cần tập trung thảo luận.

Tuy nhiên, đánh giá này chưa nhận được sự tán thành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, cần xem lại nhận định về việc các phiên chất vấn đã nâng cao được tính tranh luận, đối thoại. Bởi thực tế, với cách điều hành cho phép hàng loạt đại biểu đứng lên đặt câu hỏi, sau đó bộ trưởng trả lời một lần tuy có ưu điểm là ai đăng ký cũng được chất vấn nhưng vì số câu hỏi quá nhiều nên phần trả lời cũng chỉ "phớt qua".

Ảnh: Minh Thăng

Ông Ksor Phước đề xuất, chủ tọa có thể điều hành theo cách tóm lại một số vấn đề nổi bật từ các câu hỏi, sau đó nghe bộ trưởng trả lời. Và cần làm rõ được từng vấn đề đó.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng phàn nàn, bà chưa nhìn thấy "nhiều vấn đề được đi đến cùng"như kết luận trong báo cáo.

Chẳng hạn, riêng câu chuyện giá xăng dầu "lôi kéo" hai bộ trưởng cùng đứng lên đăng đàn nhưng rồi cho đến nay, kết quả kinh doanh xăng dầu là lỗ hay lãi vẫn chưa được làm rõ và chưa ai xác nhận.

Theo bà Mai, để đánh giá được hiệu quả thực sự từ phiên chất vấn thì phải đợi thời gian triển khai nghị quyết chất vấn, từ đó mới biết được vấn đề nào đã được giải quyết tận cùng, vấn đề nào chưa.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại chỉ ra một "nghịch lý" bất công khác, đó là có những vị trưởng ngành đăng đàn trọn buổi, song vẫn có nhiều người  sau khi nghe xong hết một lượt câu hỏi thì đến giờ nghỉ nên đã được nghỉ thêm trọn vẹn buổi trưa (Bộ trưởng Tài chính) và buổi tối (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

"Có những người được nghỉ để chuẩn bị câu trả lời, như vậy có công bằng hay không", ông Giàu thắc mắc.

Theo ông, tiến tới nên bố trí riêng mỗi vị trưởng ngành trả lời trọn vẹn luôn trong một buổi, không nên ghép người nọ nối thời gian của người kia như hiện nay.

Cũng theo ông Giàu, việc nhiều lượt đại biểu được đứng lên để chất vấn có mặt tốt là ai cũng được hỏi xong câu trả lời chung lại quá ngắn, mất cân đối. Nhất là với trường hợp chủ tọa gọi hơn hai chục đại  biểu chất vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, mỗi lượt chỉ nên gọi khoảng ba đại biểu. Nếu trường hợp vấn đề được nêu ra không mới và khác hơn các lượt trước thì mới nên gọi tiếp lượt đại biểu khác.

"Có những tỉnh vắng gần hết"

Thường vụ Quốc hội cũng phàn nàn chuyện đại biểu vắng mặt nhiều.

Theo nghị trình, các ĐBQH tại kỳ họp vừa qua mỗi tuần đều được nghỉ ngày thứ bảy. Như phản ánh của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, rất nhiều phiên họp ngày thứ hai và thứ sáu rơi vào tình trạng vắng vẻ vì các ĐBQH ở địa phương  cũng như lãnh đạo tại nhiều cơ quan Trung ương tranh thủ nghỉ cuối tuần và "lấn sang" hai ngày cận kề để giải quyết công việc cơ quan.

"Có hôm vắng cả 100 người, có những tỉnh vắng gần hết, chỉ còn vài ba người”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng kể lại.

Ông Ksor Phước than, nhiều phiên họp nhìn sang dãy ghế hai bên cạnh mà thấy quá vắng vẻ, tình trạng này cần  sớm được khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, nếu Quốc hội nghiễm nhiên chấp nhận việc đại biểu có thể vắng mặt khi đi họp thì phải cân nhắc xem xét để bố trí lịch thông qua các luật, nghị quyết. Tốt nhất là nên thông qua các dự án này vào những ngày giữa tuần để quy tụ đủ số lượng đại biểu.

Tuy nhiên, ông Giàu cũng than phiền, những hôm thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, nhưng nhìn trong hội trường không thấy gương mặt những vị lãnh đạo quan trọng. Thậm chí, có người vắng mặt suốt cả tuần. "Cũng thông cảm vì nhiều người còn phải giải quyết công việc cơ quan nhưng vắng như thế là không được",ông Giàu nói.

Các góp ý trên sẽ được tiếp thu và đưa vào báo cáo tổng hợp để gửi tới các đoàn đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp tiếp theo của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra tháng 5/2012 trong 24 ngày. Luật Biển Việt Nam sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Ngoài ra, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu các cơ quan Chính phủ, Ủy ban Kinh tế ráo riết chuẩn bị tài liệu, hội thảo về tái cơ cấu nền kinh tế để làm cơ sở thảo luận sâu tại kỳ họp thứ ba.

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,150

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn