09/12/2011 13:40 PM

- Tại hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông đề xuất trong 2 - 3 năm tới tạm ngừng thí điểm thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và tái cấu trúc các tập đoàn hiện nay.

11 tập đoàn kinh tế nhà nước đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động.

Nếu tính trong tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế thì 11 tập đoàn này cũng chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.

Hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước đều chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường ở những ngành, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lý do để Bộ KH&ĐT cho rằng nên tạm dừng thành lập mới là vì một số hạn chế bộc lộ trong quá trình thí điểm.

Hạn chế cơ hội của DN tư nhân

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các tập đoàn thí điểm được thành lập theo phương thức hành chính, còn mang nặng tính chủ quan nên gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty mẹ trong từng ngành, lĩnh vực, nguồn nhân lực chưa đủ trình độ...

Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và tập đoàn lại chưa chú trọng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án cũng như phát triển nhân tố nội tại trong tập đoàn.

Hầu hết các tập đoàn đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với các ưu đãi về nguồn lực và các lợi thế khác. Tình trạng tài chính còn yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối tài chính.

Mặt khác, ngoài kinh doanh, các tập đoàn còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, công ích nhưng đến nay vẫn chưa có phương thức tính toán lượng hóa chi phí để bù đắp hoặc đánh giá kết quả, tác động của các tập đoàn khi thực hiện những nhiệm vụ này do vậy đã tạo cớ để biện minh cho sự kém hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhận định, nhiều tập đoàn đã mở rộng quy mô đầu tư, tuy năng lực tài chính hạn chế thiếu vốn cho ngành chính nhưng vẫn mở rộng sang các ngành nghề rủi ro như tài chính, ngân hàng, bất động sản.

"Việc dùng uy tín, nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào những ngành, linh vực mà khu vực tư nhân làm được sẽ làm hạn chế cơ hội và sự phát triển của khối tư nhân", Bộ KH&ĐT đánh giá.

Trong bối cảnh đó, việc quản lý, điều hành tại các tập đoàn vẫn còn bất cập. Kiểm soát nội bộ vẫn chỉ mang tính hình thức. Thực tế, thu nhập các kiểm soát viên còn phụ thuộc tập đoàn nên vẫn xảy ra chuyện báo cáo không trung thực. Nhiều hành vi cố ý làm trái, sai phạm, tiêu cực đã không được  báo cáo.

Hạn chế thứ tư được phân tích là vấn đề quản lý, giám sát.

Theo đó, vẫn chưa tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước. Điều này thể hiện rõ ở các ngành khai thác tài nguyên khoáng sản, điện, viễn thông và các ngành độc quyền đang có vị trí thống lĩnh, chi phối thị trường.

Việc thiếu tách bạch cũng gây nhiều bất cập trong quan hệ với nhà nước. Chẳng hạn, quyết định chỉ đạo giá mua bán giữa EVN và Tập đoàn Than - Khoáng sản và một số hộ mua bán than là DNNN quy mô lớn khác. Rồi giá thuê cột điện giữa EVN, Bưu chính Viễn thông và viễn thông quân đội đã cho thấy sự can thiệp hành chính vẫn đang tồn tại.

Mặt khác, tình trạng phân công, phân cấp thực hiện quyền giám sát tập đoàn còn nhiều bất cập vì vẫn giao cho nhiều cơ quan, dẫn đến sự phân tán, thiếu hiệu quả, nhất là trong sử dụng vốn, tiền lương, nhân sự. Cách giám sát, đánh giá của chủ sở hữu còn mang tính hình thức, chỉ căn cứ báo cáo của tập đoàn.

Không duy trì tập đoàn đa ngành

Cùng với đề xuất dừng thành lập mới, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị 4 vấn đề.

Trước hết cần đẩy mạnh tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng không duy trì mô hình tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, giảm số ngành nghề liên quan để tập trung lĩnh vực then chốt.

Thực hiện chuyển công ty mẹ trong tập đoàn thành công ty cổ phần theo lộ trình thích hợp đến năm 2020. Trong đó, nhà nước sở hữu trên 75% tổng số cổ phần tại công ty mẹ trong các tập đoàn thuộc lĩnh vực than, kinh doanh điện, dầu khí, phân bón, hóa chất.

Nhà nước sở hữu trên 65% tổng số cổ phần tại công ty mẹ trong các tập đoàn hoạt động ở lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, cao su, tàu thủy, tài chính, ngân hàng.

Nhà nước sở hữu trên 35% hoặc không cần nắm cổ phần tại các công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực như bất động sản, dệt may, bảo hiểm, cơ khí chế tạo.

Theo ông Đặng Huy Đông, việc tái cấu trúc tập đoàn bao gồm cả việc thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh ngoài ngành chính. Đồng thời, tái cấu trúc về tài chính, nhân sự, công nghệ, quản trị tại từng tập đoàn...

Kiến nghị thứ hai là tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp luật liên quan như thẩm quyền quyết định đầu tư, lương thưởng, tuyển dụng cán bộ. Đặc biệt là các cơ chế quản lý người đại diện chủ sở hữu, hoạt động của kiểm soát viên...

Vấn đề thứ ba là đổi mới hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước. Tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước. Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu. Thực hiện kiểm kê cũng như cập nhật thường xuyên thông tin về vốn, tài sản nhà nước giao cho công ty mẹ và quy định các ràng buộc pháp lý với những khoản vốn, tài sản đó.

Kiến nghị cuối cùng của Bộ KH&ĐT là cải thiện quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa với tập đoàn theo chuẩn mực đang áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thiết lập kỷ luật báo cáo của các tập đoàn.

Những vấn đề trên sẽ được lãnh đạo các tập đoàn thảo luận trong phiên họp hôm nay. Phiên họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.


Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,215

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn