Nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) làm ăn kém hiệu quả, lỗ lớn, nhưng lãnh đạo vẫn thăng hoa, hoặc “hạ cánh an toàn”...
Rời ghế để lại nợ ngàn tỷ
Theo con số của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2011, dư nợ ngân hàng của các DNNN khoảng 415 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 18% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, riêng 12 tập đoàn kinh tế vay nợ khoảng 218,7 nghìn tỷ đồng, đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 72.300 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 62.800 tỷ đồng...
Đáng lưu ý, có 30/85 tập đoàn, tổng Cty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 10 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần (Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5, 8 và 1; Tổng Cty Xăng dầu Quân đội, Tổng Cty Thành An, Tổng Cty Phát triển đường cao tốc).
Mức lỗ bình quân của các tổng công ty, DNNN cao gấp 12 lần các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tổng lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng Cty đến hết năm 2011 là 26.100 tỷ đồng.
Việc DN làm ăn phải vay mượn là chuyện bình thường, nhưng được vay mượn tới đâu (bao nhiêu lần vốn chủ sở hữu) và nếu có rủi ro thì ai gánh chịu trách nhiệm? Câu chuyện này xem ra vẫn đang bỏ ngỏ (dù theo luật, nếu để DNNN thua lỗ trong 2 năm liên tiếp thì người đứng đầu phải ra đi).
Nên không ít lãnh đạo DNNN, từ khi ngồi vào vị trí chủ tịch, tổng giám đốc của DNNN, vay nợ đầm đìa, tư gia khá giả, nhưng doanh nghiệp làm ăn bết bát, song vẫn được hạ cánh an toàn.
Vị chủ tịch một tổng công ty 90, mới nghỉ hưu năm 2011 là ví dụ. Cả chục năm trời ông vừa là chủ tịch kiêm tổng giám đốc. Ở dưới có vài chục công ty con, cá nhân ông còn được nhận danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, nhưng chỉ tới khi ông nghỉ hưu, bàn giao chức vụ cho người mới, khi đó người ta mới tá hoả con số nợ nần tới vài ba ngàn tỷ.
Tổng công ty có vài chục đơn vị thành viên thì nhiều năm, chỉ một vài đơn vị có lãi. Hoá ra lâu nay sự hoành tráng chỉ là vỏ bọc hào nhoáng bề ngoài. Còn thực tế cả tổng công ty làm ăn không hiệu quả, ăn vào cả vốn vay.
Một lãnh đạo DNNN khác là ông Lê Văn Quế, cựu chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, cũng để lại món nợ lớn trước khi “hạ cánh an toàn” vào tháng 10-2011. Theo báo cáo tài chính năm 2009, tập đoàn này có tổng nợ phải trả 8.585 tỷ đồng, nguồn vốn sử dụng trong kinh doanh của đơn vị chủ yếu là vốn vay, trong đó vốn từ các khoản vay nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh là 4.090 tỷ đồng.
Đương nhiên chuyện vay nợ không phải mình ông quyết, nhưng tới thời ông, nó ngày một nhiều hơn.
Trước khi ông Quế nhận quyết định hưu một năm, ông này cũng nhận án kỷ luật “khiển trách” về Đảng, nhưng là do có lỗi trong việc chỉ định thầu hơn 500 tỷ đồng khi xây dựng toà tháp đôi trên đường Phạm Hùng, chứ không phải vì vấn đề nợ nần. Coi như ông Quế cũng “hạ cánh an toàn”, dù tập đoàn do ông đứng đầu nợ nần chồng chất.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã phải xin Bộ Tài chính, Chính phủ hỗ trợ tiền để Tập đoàn Sông Đà trả nợ cho khoản vay nước ngoài hơn 3.300 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy xi măng Hạ Long, vì Cty Cổ phần Xi măng Hạ Long cũng như tập đoàn không còn khả năng tài chính tự trả nợ gốc và lãi mỗi năm 15 triệu euro, tương đương 400 tỷ đồng.
Bởi kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tới nay vẫn lỗ (năm 2009 lỗ 78 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 500 tỷ đồng...).
Đau xót nhất phải kể tới chuyện EVN lập Cty thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom), năm 2010 thua lỗ khoảng 4.500 tỷ đồng, gần bằng quỹ lương của cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nếu không có chuyện chuyển giao cho Viettel, chuyện lỗ của DNNN này chắc còn dài dài, và lãnh đạo vẫn hạ cánh an toàn.
Chỉ đến khi con số lỗ khổng lồ bị phơi bày, cơ quan chức năng mới kiểm điểm, cho thôi chức Chủ tịch EVN của ông Đào Văn Hưng. Và đến nay, đã vài tháng trôi qua, “kiểm điểm lên, xuống”, vẫn chưa có quyết định kỷ luật cuối cùng với ông Hưng.
Lời ăn, lỗ dân chịu
Tại hội thảo về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước được tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, cách thức tổ chức quản lý trong nội bộ DNNN hiện nay giúp các công ty con, cháu tránh được nguy cơ bị phá sản.
Như vậy, nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu” và “được ăn cả, ngã về không”, không còn có hiệu lực với các tập đoàn, tổng công ty nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng. Và thay vào đó là một tập quán “lời ăn, lỗ dân chịu” hình như đang ngày càng rõ nét hơn.
Ở Việt Nam, có lẽ sướng nhất là làm chủ DNNN, được tạo điều kiện đủ thứ, từ vốn (vay ngân hàng cũng dễ hơn), trụ sở, đất đai, công việc... Nếu làm ăn giỏi thì bổng lộc nhiều, còn có cửa thăng quan tiến chức, nếu lỗ thì nhà nước chịu, hoặc chí ít cũng được ngân hàng khoanh nợ. Kể cả doanh nghiệp bên bờ vực phá sản thì lãnh đạo vẫn có thể “hạ cánh an toàn”, chẳng ảnh hướng gì đến tài sản cá nhân...”. |
“Đặt và thực hiện nghiêm quy định về việc các DNNN bị thua lỗ ngoài dự kiến kế hoạch, hoặc không đạt được các mục tiêu quan trọng như kế hoạch, thì giám đốc, tổng giám đốc đương nhiên bị miễn nhiệm, những người khác cũng bị giải trình, truy xét trách nhiệm sẽ giúp khắc phục tình trạng quá lỏng lẻo về kỷ luật, kỷ cương như hiện nay” - ông Cung nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Sinh Cúc, Tổng cục Thống kê, trước hết cần xác định chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế là ai. Thực tế cho thấy đến nay vẫn chưa rõ Vinashin, Vinalines chủ sở hữu là ai.
Còn PGS.TS Nguyễn Cúc, Học viện Kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các tập đoàn, tổng Cty hoạt động không hiệu quả trước hết do không được cụ thể hóa mục tiêu.
Cùng với đó, các DNNN đang có quá nhiều chủ, khi đổ vỡ không ai chịu trách nhiệm cả. Hiện nhà nước đang phải bao cấp cả đầu vào và cả phần thua lỗ của doanh nghiệp.
“Cái nghiêm trọng với DNNN mà chúng ta nói mãi là phải xóa bao cấp, xóa chủ quản nhưng vẫn không làm được mà mức độ ngày càng tăng lên. Tốt nhất là đưa các tập đoàn, tổng Cty nhà nước vào sự quản lý của một chủ thay vì nhiều chủ như hiện nay” - ông Cúc nói.