Dự thảo Luật Quy hoạch: Nghiên cứu kỹ sự cần thiết sửa 32 Luật

18/03/2017 08:38 AM

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 8, cuối giờ chiều ngày 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp.

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị cần phải giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các luật liên quan, rà soát, hủy bỏ những luật đã được thông qua nhưng trái với quy định Luật này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Luật cần có phương án xử lý các quy hoạch đã được phê duyệt khi Luật này có hiệu lực. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng Đề án rà soát tổng thể các quy hoạch hiện hành với lộ trình phù hợp để từng bước điều chỉnh bằng các chính sách, quy định pháp luật để đến năm 2020 có thể thực thi đồng bộ các quy hoạch theo Luật Quy hoạch.

Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan được phân công qua rà soát, có 32 Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế  tiếp thu, chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo Luật theo hướng Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Cùng với đó, quy định tại khoản 2 Điều 69 giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch, trình Quốc hội xem xét, quyết định và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1/1/2019.

Tham gia vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về tính khả thi. Nếu Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 thì đồng nghĩa Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật thuộc danh mục 2 của dự thảo Luật gồm 32 luật.

Thông thường, từ khi thông qua cho tới khi Luật có hiệu lực là 6 tháng, nghĩa là tháng 6/2018 Quốc hội phải thông qua các luật này. Vậy từ tháng 3/2017 đến tháng 6/2018 phải thông qua đủ 32 luật có liên quan. “Liệu có bảo đảm được vấn đề này không?” - bà Nga đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng có chung băn khoăn này. Theo kế hoạch trong 32 luật phải sửa đổi có tới 18 luật mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra; trong đó những luật mới có hiệu lực từ 1/7/2016; trong quá trình xây dựng các luật này đã chuẩn bị rất tỉ mỉ, không có vướng mắc. Ông cho rằng trong vòng một năm phải sửa lại tất cả sẽ là một thách thức.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, thực trạng xây dựng đô thị không đồng bộ, không phát huy được việc sắp xếp bố trí không gian, không tạo được tính kết nối là do quy hoạch chưa phát huy hiệu quả hay do thực hiện quy hoạch không tốt. Từ đó, mới xem xét có cần sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan đến quy hoạch hay không.

H.Vân

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,305

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn