28/11/2011 11:47 AM

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ về chuyện “thả đinh tặc” và “dùng lưới đánh cá bắt xe đua”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định hai vấn đề này góp thêm “chứng cứ” thể hiện tình trạng giao thông lộn xộn khiến cách hành xử của cơ quan có trách nhiệm trở nên lúng túng, thậm chí tùy tiện.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Ảnh: L.K.

* Thưa ông, cũng là “đinh tặc”, ở TP.HCM thì đối tượng được trả tự do sau một thời gian tạm giữ vì không đủ chứng cứ xử lý hình sự, còn ở Bình Dương thì nhiều “đinh tặc” bị phạt tù. Chẳng lẽ pháp luật được mỗi nơi hiểu một kiểu?

- Tôi được biết Công an Thủ Đức đã thả “đinh tặc” vì cho rằng chưa đủ bằng chứng, không xác định được người bị hại mặc dù đối tượng này đã khai nhận hành vi của mình. Còn ở Bình Dương có “đinh tặc” bị phạt tù giam đến 30 tháng.

 Một cán bộ Viện KSND Bình Dương nói rằng họ xử lý hình sự được bởi vì đây không chỉ là chuyện cây đinh, hư cái ruột, cái vỏ xe mà đó là sự nguy hiểm đến tính mạng con người, là sự bức xúc rất lớn của dư luận. Vì vậy có những vụ chỉ xác định được vài người bị hại nhưng qua điều tra, đối tượng “đinh tặc” khai nhận việc thu lợi bất chính khi thực hiện hành vi rải đinh, cộng với những vật chứng như kéo cắt đinh, ruột xe hư, các đinh tự tạo là đủ cơ sở xử lý hình sự.

Điều đó cho thấy có sự nhận thức pháp luật khác nhau. Ở đây, tôi chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng việc thả “đinh tặc” là đúng hay sai. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính của ta đều đã quy định một cách tương đối đầy đủ, toàn diện để xử lý các hành vi vi phạm hành chính hoặc hành vi phạm tội.

Từng hành vi cụ thể có được xử lý hay không lại phụ thuộc năng lực của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai, đặc biệt những hành vi liên quan đến giao thông là bảo vệ hiện trường. Khi không bảo vệ được hiện trường thì chứng cứ bị xóa ngay hoặc chứng cứ trở nên yếu thì khó có căn cứ để truy cứu hình sự.

Tuy vậy, trong trường hợp không xử lý hình sự được thì ít nhất cũng xử lý vi phạm hành chính thật nặng. Khi không đủ căn cứ khởi tố hình sự phải chuyển ngay cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính bởi vì hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật đã được đối tượng thừa nhận.

* Còn ở TP Thanh Hóa thì cảnh sát giao thông thực hiện “sáng kiến” là lấy lưới bắt xe máy vi phạm luật giao thông, thậm chí giám đốc Công an Thanh Hóa khẳng định rằng “biện pháp này mang lại hiệu quả và pháp luật không cấm”?

- Tôi nghĩ khi sáng kiến ra biện pháp dùng lưới để bắt xe đua thì cảnh sát giao thông TP Thanh Hóa cũng xuất phát từ mong muốn xử lý nạn đua xe có hiệu quả. Nhưng việc lãnh đạo Công an Thanh Hóa cho phép làm việc đó và giải thích như vậy là sai. Các biện pháp ngăn chặn xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp ngăn chặn tội phạm, các biện pháp phòng ngừa thì pháp luật đều quy định rất rõ...

Quăng lưới bắt xe đua để xử lý vi phạm pháp luật về giao thông không phải là một biện pháp được pháp luật quy định.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của cơ quan chức năng là tìm mọi biện pháp ngăn chặn có hiệu quả nhất đối với các hành vi vi phạm, nhưng đó phải là những biện pháp trong khuôn khổ của pháp luật. Bởi vì bên cạnh việc ngăn chặn các hành vi phạm tội, người thực thi pháp luật còn phải bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân chứ không thể chỉ thuần túy diệt bằng được hành vi vi phạm.

Tung lưới thì cảnh sát có thể bắt được người đua xe, nhưng nếu trong trường hợp đó người đua xe chết và tài sản bị hủy hoại thì sao?

* Như vậy, tung lưới bắt xe đua là một “sáng kiến” tùy tiện?

- Cơ quan công quyền, đặc biệt là công an, cảnh sát, trong khi thực thi nhiệm vụ đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật dù anh có bức xúc mức nào. Công chức chỉ được làm những việc pháp luật cho phép. Chưa được pháp luật cho phép thì anh chưa được làm. Tôi ngạc nhiên khi đọc trên báo thấy cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa coi lưới là công cụ hỗ trợ.

* Để những “sáng kiến” tùy tiện như vậy được áp dụng, phải chăng pháp luật về xử lý vi phạm giao thông ở ta chưa đầy đủ, thiếu hiệu quả và không đồng bộ?

- Không phải như vậy. Như trên tôi đã nói, cơ quan chức năng hãy thực thi theo đúng pháp luật là hoàn toàn có khả năng ngăn chặn các hành vi vi phạm. Vấn đề là có thực thi nghiêm hay không, có thực thi thường xuyên hay không. Chứ còn tất cả các biện pháp mà pháp luật cho phép đủ để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu bất cập thì Bộ Công an đã phải trình các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, chỉnh sửa các quy định pháp luật. Chúng ta thấy vừa rồi tại phiên Quốc hội chất vấn bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bộ trưởng Bộ Công an đã đề xuất một số biện pháp như cho phép xử phạt qua camera, tăng nặng mức xử phạt, tịch thu phương tiện.

Bên cạnh đó bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị các quan chức không được can thiệp vào các vụ xử lý vi phạm giao thông. Điều này có nghĩa những quy định của pháp luật nhiều khi bị vô hiệu hóa bởi chỉ một cuộc điện thoại.

Việc thực thi công vụ chưa nghiêm gây ra nhiều cảnh bi hài như chúng ta đã thấy.

TS Hoàng Ngọc Giao (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển):

Lộn xộn hành vi, tùy tiện ứng xử

Tôi rất bất ngờ với ý kiến trả lời trên báo chí của giám đốc Công an Thanh Hóa rằng biện pháp quăng lưới bắt xe vi phạm là có hiệu quả và pháp luật không cấm. Đấy là một nhận thức không chuẩn về pháp luật vì “công dân được làm những gì pháp luật không cấm nhưng công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Vì vậy, tung lưới đánh cá bắt xe vi phạm là một cách hành xử tùy tiện. Pháp luật đã quy định rất rõ những hành vi nào của người tham gia giao thông là vi phạm, hành vi nào là tội phạm và tương ứng với các hành vi đó là các thủ tục, công cụ xử lý của cơ quan chức năng. Ngay cả tội hình sự cũng thế, không thể nói rằng biện pháp đánh đập để người ta nhận tội là hiệu quả nên tôi được áp dụng.

Còn chuyện thả “đinh tặc” ở TP.HCM có thể cơ quan chức năng có lý, vì tội phạm phải được xác định trên những bằng chứng, những hành vi rất cụ thể như bắt được kẻ rải đinh thì phải xác định được chính đối tượng đó gây ra tai nạn, gây ra chết người, nghĩa là trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Còn nếu không chứng minh được các hành vi đó thì phải bắt được đối tượng rải đinh nhiều lần, đã xử lý hành chính rồi nhưng vẫn vi phạm thì mới xử lý hình sự được.

Đó là xét theo các quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, đọc báo Tuổi Trẻ thì tôi biết rằng dư luận rất bức xúc, bất bình với bọn “đinh tặc” vì chúng đã gây ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Vậy phải đề nghị các nhà làm luật bổ sung hành vi rải đinh vào Bộ luật hình sự.

Hai sự việc trên đưa lại cho tôi một suy nghĩ là hiện nay chúng ta đang rất bất cập khi đánh giá các hành vi vi phạm và mức độ của nó. Ở các nước, uống bia rượu khi lái xe bị xử lý hình sự, đôi khi người ta phạt tù ba ngày hoặc một tuần để răn đe, còn ở ta thì không. Khía cạnh thứ hai là năng lực hạn chế và sự tùy tiện của cơ quan công quyền trong cách xử lý các hành vi vi phạm.

Tôi mong rằng Quốc hội đang xây dựng Luật xử lý vi phạm hành chính và tiến tới sửa đổi pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự thì sẽ làm rõ được vấn đề này.

LÊ KIÊN thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,249

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn