22/11/2011 11:11 AM

TT - Sáng 21-11, nhiều nạn nhân tiếp tục đến Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) tố cáo “đinh tặc” Phạm Văn Hải. Anh Sơn Anh, một nạn nhân, cho biết: “Tôi rất bức xúc khi Công an quận Thủ Đức thả đối tượng này ra mà không khởi tố hình sự vì không đủ chứng cứ. Tôi cũng là nạn nhân, từng đi chơi ở khu du lịch Suối Tiên về và bị cán đinh.

>> Lại thả “đinh tặc”

>> Thả "đinh tặc" vì chưa đủ chứng cứ

TT - Sáng 21-11, nhiều nạn nhân tiếp tục đến Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) tố cáo “đinh tặc” Phạm Văn Hải. Anh Sơn Anh, một nạn nhân, cho biết: “Tôi rất bức xúc khi Công an quận Thủ Đức thả đối tượng này ra mà không khởi tố hình sự vì không đủ chứng cứ. Tôi cũng là nạn nhân, từng đi chơi ở khu du lịch Suối Tiên về và bị cán đinh.

Sáng 21-11, một nạn nhân cung cấp cho tổ điều tra loại đinh hình thoi lấy được tại tiệm sửa xe của Phạm Văn Hải - Ảnh: Anh Thoa

Xem video "đinh tặc" Phạm Văn Hải bị bắt

Đọc báo Tuổi Trẻ, tôi nhận diện được đối tượng này. Rất may hôm đó tôi có lấy được cây đinh hình thoi ngay trong tiệm của Hải”. Anh Nghiêm, nạn nhân khác, cho biết: “Xem báo sáng nay tôi bức xúc quá. Các đối tượng này thừa nhận hành vi rải đinh mà lại được thả ra dễ dàng như thế. Tôi chạy từ Bình Dương lên đây để cung cấp thông tin cho công an điều tra. Tôi từng bị cán đinh ở khu vực này. Khi cán phải đinh xe tôi loạng choạng đảo tay lái trên đường, tí nữa đâm vào xe tải. Vào tiệm của Hải phải thay ruột, sửa xe với giá hơn 160.000 đồng”.

100 hợp đồng bảo hiểm cho “hiệp sĩ đường phố”

Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp với báo Công An Nhân Dân đã quyết định trao tặng 100 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho các “hiệp sĩ đường phố“. Trong đó có 80 hợp đồng bảo hiểm cho các “hiệp sĩ” ở TP.HCM, Bình Dương và 20 hợp đồng còn lại cho các “hiệp sĩ” khu vực phía Bắc.

Với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này, các “hiệp sĩ” sẽ nhận được những quyền lợi bảo vệ thiết thực trong vòng 10 năm, bao gồm quyền bảo vệ rủi ro tai nạn, tử vong và quyền lợi hỗ trợ chi phí nằm viện. Khi kết thúc thời hạn hợp đồng, các “hiệp sĩ” sẽ được nhận lại toàn bộ phí bảo hiểm mà công ty đã đóng.

V.H.Q.

Chỉ trong buổi sáng 21-11, đã có sáu nạn nhân đến trình báo với Công an quận Thủ Đức, trong đó mức thiệt hại thấp nhất là 70.000 đồng và mức cao nhất hơn 500.000 đồng. Điều đáng nói, nhiều nạn nhân đã cung cấp cho tổ điều tra loại đinh hình thoi có hình dáng giống như đinh của Hải cắt. Đây là yếu tố quan trọng để tổ điều tra căn cứ khởi tố hình sự.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an quận Thủ Đức cho hay: “Quan điểm của quận ủy và công an là cố gắng củng cố hồ sơ khởi tố sớm. Tuy nhiên cần phải tìm thêm nạn nhân, xác định giá trị tài sản thiệt hại. Trong số các nạn nhân vừa qua có người đã nhận diện đúng đối tượng Hải”. Vị lãnh đạo này cho biết thêm: “Không sợ đối tượng này chạy trốn. Tổ điều tra đã lập hồ sơ, nếu trốn thì phát lệnh truy nã”.

Trước thực trạng quá bức xúc với vấn nạn “đinh tặc” nhưng lúng túng trong việc xử lý hình sự đối tượng này, Công an quận Thủ Đức đã xin ý kiến chỉ đạo của Công an TP.HCM nhưng chưa có văn bản trả lời.

Trước đó, Công an quận Thủ Đức đã đề nghị Viện KSND quận khởi tố vụ án “cố ý phá hoại tài sản” đối với “đinh tặc” Phạm Văn Hải, nhưng Viện KSND quận không phê chuẩn mà yêu cầu thu thập thêm thông tin người bị hại. Sau ba lần gia hạn tạm giữ, Công an quận Thủ Đức đã trả tự do cho Phạm Văn Hải.

Tuy nhiên tại công an quận, đối tượng này thừa nhận hành vi cắt đinh và rải đinh trên đường. Theo Công an quận Thủ Đức, thả nhưng không phải là không có tội. Công an quận đang chỉ đạo củng cố hồ sơ, xác minh thêm người bị hại, trong đó tổ điều tra đã xác định thêm nguyên nhân, địa điểm về vụ tai nạn dẫn đến chết người vừa qua có phải do “đinh tặc” không, có liên quan gì với loại đinh của các đối tượng này rải không. Nếu liên quan thì việc khởi tố là không khó.

Thượng tá Nguyễn Hữu Toàn, trưởng Công an quận Thủ Đức, cho biết: “Sẽ tiếp tục làm để có đủ yếu tố khởi tố hình sự. Tôi đã chỉ đạo cấp giấy giới thiệu cho điều tra viên đến tòa soạn Tuổi Trẻ gặp phóng viên xin cung cấp thêm thông tin để điều tra hành vi của cả hai đối tượng Phạm Văn Hải và Đỗ Văn Chuyền (thường gọi là Truyền). Chúng tôi sẽ tìm thêm nạn nhân, sẵn sàng cho taxi đến đón nạn nhân chỉ địa điểm, đối tượng liên quan đến đinh tặc”.

Một lần nữa Công an quận Thủ Đức kêu gọi sự hợp tác của người bị hại. Những người từng là nạn nhân của “đinh tặc” trên đoạn quốc lộ 1A, khu vực cầu vượt Sóng Thần đến ngã tư Gò Dừa và khu vực Suối Tiên có thể liên hệ trực tiếp với Công an quận Thủ Đức hoặc qua số điện thoại 08.38972019, với Công an phường Bình Chiểu qua số điện thoại 08.37293361.

Trong khi đó trong hai ngày qua, sau thông tin thả “đinh tặc” Phạm Văn Hải, đã có 404 ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ bày tỏ thái độ bất bình trước việc trả tự do cho “đinh tặc” vì “không đủ chứng cứ”. Bạn đọc cho rằng các cơ quan phải quyết liệt hơn.

ANH THOA

* Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (TAND TP.HCM):

Khó xử hình sự, cũng phải phạt hành chính thật nghiêm

Ai cũng biết hậu quả nghiêm trọng của việc rải đinh bẫy người đi đường không chỉ là việc bị thủng ruột xe, vỏ xe mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vì thế cơ quan điều tra không chỉ thu thập chứng cứ về thiệt hại tài sản (số tiền nạn nhân bị thủng ruột, vỏ xe phải bỏ ra để thay) mà còn phải ghi nhận những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc xe bị cán phải đinh gây ra. Nếu xác định được từng có người đi đường gặp tai nạn giao thông vì số đinh bị rải ra đường thì cũng đủ cơ sở xử lý hình sự đối với “đinh tặc”.

Trường hợp thu thập chứng cứ khó khăn do nạn nhân không trình báo hoặc đối tượng vi phạm chưa từng bị xử phạt hành chính, bị kết án thì cơ quan điều tra cần phải lập hồ sơ đề nghị xử phạt hành chính “đinh tặc” với mức xử phạt thật nghiêm. Việc xử phạt này là cơ sở để cơ quan tố tụng khởi tố hình sự “đinh tặc” nếu tái diễn việc rải đinh.

* Kiểm sát viên Trần Minh Sơn (Viện KSND TP.HCM):

Cần tiếp tục thu thập đủ chứng cứ

Trước mối nguy hiểm về nạn rải đinh của “đinh tặc” có thể gây ra cho người đi đường, sự bức xúc của người dân về tình trạng này, cơ quan công an cần làm hết sức mình thu thập chứng cứ để việc xử lý nạn “đinh tặc” được làm đến nơi đến chốn. Có thể sau khi kết thúc thời hạn tạm giữ (thời hạn ba ngày, gia hạn tối đa hai lần tổng cộng là chín ngày) mà chưa đủ chứng cứ khởi tố, cơ quan công an phải trả tự do cho “đinh tặc” nhưng việc thu thập chứng cứ cần phải tiếp tục. Khi nào thu thập đầy đủ chứng cứ, cơ quan công an cần khởi tố, tiến hành bắt người vi phạm.

C.MAI ghi

Có thể khởi tố “đinh tặc” tội cản trở giao thông

Đọc thông tin hai “đinh tặc” đã được Công an quận Thủ Đức và Công an quận 9 (TP.HCM) trả tự do sau chín ngày bị tạm giữ vì không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, tôi thật sự ngỡ ngàng.

Lý do chưa đủ chứng cứ để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật thoạt đầu nghe cũng có lý của nó, vì hành vi hủy hoại tài sản là hành vi cấu thành vật chất, với định lượng tài sản bị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên nếu trước đó chưa bị xử lý hành chính hoặc bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về tội này. Trong khi đó, cơ quan điều tra không xác định được bị hại của hai nghi phạm trên thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Văn Hải và Lê Đức Tây về tội hủy hoại tài sản là không thể.

Vậy chúng ta sẽ xử lý “đinh tặc” về tội gì? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta không chỉ căn cứ vào Bộ luật hình sự năm 1999 mà phải nghiên cứu Luật giao thông đường bộ năm 2008. Theo khoản 2 điều 8 của luật này, hành vi đặt, rải vật nhọn thuộc nhóm hành vi cản trở giao thông đường bộ bị nghiêm cấm.

Theo điểm h, khoản 1 điều 203 Bộ luật hình sự quy định về tội cản trở giao thông đường bộ, hành vi của “đinh tặc” là “hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ”.

Theo khoa học hình sự, một hành vi khi xâm phạm vào một khách thể nhất định nhưng có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau theo cấp độ từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng nhưng không nhất thiết hậu quả đó phải là sự “hiện hữu”, hậu quả đó có thể chỉ là “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời”.

Như vậy việc hai “đinh tặc” Phạm Văn Hải và Lê Đức Tây thừa nhận dùng những thanh thép hình thoi rải trên quốc lộ 1A và xa lộ Hà Nội, nơi có nhiều phương tiện cơ giới lưu thông thì hành vi đó hoàn toàn “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được quy định tại khoản 4 điều 203 Bộ luật hình sự năm 1999: “Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.

Muốn biết thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, do chưa có nghị quyết hướng dẫn về tội này nhưng chúng ta có thể áp dụng nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999).

Là người cũng công tác trong ngành bảo vệ pháp luật, tôi rất mong các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lại quyết định của mình để không làm người dân thất vọng.

NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,708

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn